Tin thế giới 10/5: Ukraine 'bắt tay' Đức; Moscow sắp cắt nốt ràng buộc với NATO? 'Món quà bất đắc dĩ' của Mỹ cho Nga-Trung

01:00 11/05/2023

Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, quan hệ Mỹ-Trung Quốc, khả năng NATO có văn phòng đại diện châu Á, khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Tin thế giới 10/5: Ukraine 'bắt tay' Đức; Nga sắp cắt nốt ràng buộc với NATO? 'Món quà bất đắc dĩ' của Mỹ cho Nga-Trung
Ukraine 'khoe' đội quân UAV mới. (Nguồn: Twitter)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Ukraine lập 8 đại đội máy bay không người lái (UAV)mới, đều được chế tạo trong nước, Bộ trưởng Chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine Mykhailo Fedorov thông báo trên Twitter cá nhân.

Các đơn vị được này đã nhận được xe bán tải, thiết bị liên lạc, cũng như trực thăng tấn công và UAV FPV. Trong các bức ảnh được công bố, ngoài UAV "cảm tử" thông thường còn có UAV Kazhan của Ukraine.

Do kích thước nhỏ và có thể đạt tốc độ lên tới 120 km/h, UAV Kazhan rất khó bị bắn trúng, trong khi nó có thể mang theo 3 quả đạn và bay trên không tới 40 phút.

UAV Kazhan - có thể bay bất cứ lúc nào và nhờ gắn máy ảnh quang học có khả năng thu phóng gấp 10 lần cũng như thiết bị chụp ảnh nhiệt hiệu quả - là một mối nguy hiểm thực sự.

Nếu tính đến 3 đại đội UAV tấn công đã được thành lập trước đó, hiện Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) có 11 đại đội tấn công bằng UAV và đây là một sức mạnh đáng kể.

* Ukraine 'bắt tay' tập đoàn Đức để chế tạo vũ khí mới: Đức và Ukraine đã ký một thỏa thuận về việc cùng sản xuất xe tăng, hệ thống phòng không và đạn dược trên lãnh thổ Ukraine với sự tham gia của công ty quốc phòng lớn nhất nước Đức Rheinmetall.

Người đứng đầu Rheinmetall Armin Papperger cho biết, quan hệ hợp tác này sẽ giúp Ukraine tăng cường đáng kể sức mạnh phòng thủ.

Việc thành lập công ty liên doanh sẽ cho phép Rheinmetall mở rộng hoạt động tại Ukraine và củng cố vị thế của mình trên thị trường vũ khí toàn cầu.

Ngoài xe tăng và hệ thống phòng không, Rheinmetall cũng sẽ tham gia sản xuất đạn dược, giúp Ukraine tự chủ hơn trong sản xuất khí tài.

Chính quyền Ukraine tuyên bố sẵn sàng đầu tư vào các nhà máy mới và hợp tác lâu dài với công ty Đức. (Ukrinform)

* Nhà báo Arman Soldin của hãng tin AFP đã thiệt mạng sau một vụ phóng tên lửa gần thị trấn Chasiv Yar ở miền Đông Ukraine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã vinh danh và ca ngợi "lòng dũng cảm" của nhà báo Soldin, trong khi Bộ Quốc phòng Ukraine gửi "lời chia buồn chân thành". (AFP)

* Ukraine chưa có kế hoạch phản công cuối cùng, theo lời Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia và quốc phòng nước này Oleksiy Danilov, lưu ý rằng Kiev có một số lựa chọn tổ chức phản công nhưng vẫn đang trong quá trình xem xét.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết, mọi thứ đã sẵn sàng cho cuộc phản công sắp tới, song nói rằng, các nước phương Tây không nên mong đợi nhiều từ sự kiện này. (Washington Post)

Châu Âu

* UAV tấn công thao trường ở tỉnh Voronezh của Nga: Kênh Telegram Baza cho biết, rạng sáng 10/5, 2 UAV mang theo chất nổ đã tấn công một thao trường ở tỉnh Voronezh của Nga làm khoảng 14 quân nhân bị thương.

Vẫn chưa rõ loại UAV nào được sử dụng trong cuộc tấn công, tuy nhiên, rõ ràng những chiếc UAV này có tầm bay xa hơn.

Trước đó chuyên gia quân sự Nga Mikhail Zvinchuk cho biết chỉ riêng trong ngày 9/5, lãnh thổ nước Nga đã bị hơn 100 UAV tấn công và Moscow gần như đã loại bỏ tất cả các nguy cơ. (Pravda)

* Nga sắp chính thức cắt ràng buộc với NATO: Theo sắc lệnh được Tổng thống Vladimir Putin ký ngày 10/5, nước này có thể chính thức "tuyên bố bãi bỏ" Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE).

Sắc lệnh chính thức bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov đại diện cho ông Putin tiến hành các thủ tục của quốc hội về việc tuyên bố bãi bỏ CFE.

CFE, được ký kết năm 1990, là một trong những nền tảng của nỗ lực giảm thiểu căng thẳng giữa khối Hiệp ước Warsaw và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong những ngày cuối cùng trước khi Liên Xô sụp đổ.

CFE vốn nhằm điều chỉnh số lượng lực lượng được triển khai theo Hiệp ước Warsaw và của các nước thành viên NATO, cũng như thiết lập các cơ chế minh bạch khác nhau, chẳng hạn như kiểm tra xác minh tại chỗ.

Trước đó, năm 2015, Nga đã tuyên bố nước này ngừng hoàn toàn việc tham gia CFE. (Reuters)

* Thủ tướng Đức kêu gọi châu Âu không nên sợ cuộc biểu dương sức mạnh Nga, ám chỉ về cuộc duyệt binh nhân Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ ở Moscow ngày 9/5, đồng thời nhấn mạnh: "Hãy kiên định ủng hộ Ukraine!”.

Phát biểu tại Nghị viện châu Âu (EP) ngày 9/5, nhà lãnh đạo Đức lưu ý rằng, châu Âu không nên quay trở lại thời kỳ khi “luật của kẻ mạnh nhất” có hiệu lực và các nước nhỏ phải tuân theo các nước lớn hơn.

Ông nói: “Một nước Ukraine châu Âu thịnh vượng, dân chủ là sự bác bỏ rõ ràng nhất đối với các chính sách bất hợp pháp, theo chủ nghĩa xét lại của Tổng thống Nga Vladimir Putin trên lục địa của chúng ta”. (AFP)

* Ba Lan triệu Đại sứ Nga vì sự cố liên quan máy bay chiến đấu trên Biển Đen, theo lời người phát ngôn Bộ ngoại giao Ba Lan Lukasz Jasina ngày 10/5.

Trên trang mạng Twitter, ông Jasina viết: "Chúng tôi cực lực lên án hành vi khiêu khích... của phía Nga, đây là một sự cố quốc tế nghiêm trọng".

Cả Ba Lan và Romania cho biết, 1 máy bay của lực lượng biên phòng Ba Lan đang thực hiện hoạt động tuần tra cho cơ quan biên giới của Liên minh châu Âu (EU) Frontex đã suýt va chạm với một máy bay chiến đấu của Nga trên Biển Đen gần Romania hôm 7/5.

Moscow chưa đưa ra bình luận. (Reuters)

Châu Á

* Mỹ-Trung Quốc tìm kiếm 'nhiệt' để phá 'băng' quan hệ: Theo New York Times, ngày 8/5 tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã gặp Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns và bày tỏ hy vọng, Washington sẽ thúc đẩy mối quan hệ song phương “trở lại đúng hướng”.

Theo ông Tần Cương, cần ổn định quan hệ Trung-Mỹ và để làm được điều đó, Washington phải tôn trọng “điểm mấu chốt của Trung Quốc” trong vấn đề Đài Loan.

Về phía Mỹ, Đại sứ Burns cho biết, hai bên đã thảo luận về những thách thức trong quan hệ, sự cần thiết của việc ổn định quan hệ và mở rộng liên lạc cấp cao.

Trong khi đó, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel khẳng định, Washington không có ý định thay đổi nguyên trạng ở Đài Loan và muốn duy trì các đường dây liên lạc mở với Trung Quốc.

Ông Patel cũng cho biết thêm, Ngoại trưởng Antony Blinken muốn đến thăm Trung Quốc, trong khi Bloomberg cho biết, Lầu Năm Góc đang tìm kiếm một cuộc gặp giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước bên lề Đối thoại An ninh Shangri-la tại Singapore vào tháng 6 tới.

* Nhật Bản nỗ lực mở văn phòng liên lạc NATO tại Tokyo, theo lời Đại sứ nước này tại Mỹ Koji Tomita ngày 9/5.

Khi được hỏi về thông tin trên tờ Nikkei Asia gần đây rằng, NATO đang có kế hoạch mở văn phòng đầu tiên ở châu Á, ông Tomita nói rõ: "Tôi chưa nghe bất kỳ xác nhận cuối cùng nào về điều này, nhưng chúng tôi đang làm việc theo hướng đó". (Reuters)

* Pakistan bắt giữ cựu Thủ tướng Imran Khan tại tòa án ở Islamabad liên quan một vụ án tham nhũng, vào ngày 9/5, gây ra làn sóng bạo lực trên toàn quốc.

Sau vụ việc, các ngoại trưởng Mỹ và Anh đã cùng nhau kêu gọi tuân thủ "pháp quyền và hiến pháp ở Pakistan cũng như muốn thấy nền dân chủ hòa bình ở đất nước châu Á này.

Ngày 10/5, cảnh sát thông báo đã bắt giữ gần 1.000 người tại Punjab, tỉnh đông dân nhất của Pakistan, kể từ khi bùng phát hoạt động biểu tình sau vụ bắt giữ cựu Thủ tướng Imran Khan.

Ngoài ra, thông báo cũng cho hay, 130 sĩ quan và quan chức đã bị thương do bạo lực nổ ra sau khi ông Khan bị bắt. (AFP)

* Không có lý do gì để Triều Tiên phản đối các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, theo lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder ngày 9/5.

Trả lời họp báo thường kỳ, ông Pat Ryder nhắc lại rằng, các cuộc tập trận mà Mỹ và Hàn Quốc thường xuyên tiến hành "nhằm mục đích phòng thủ và giúp thực hành khả năng tương tác, thể hiện cam kết hợp tác với nhau để thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực”.

Trước đó, một quan chức Hàn Quốc cho biết, nước này có kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận đa quốc gia trên biển, được gọi là Sáng kiến An ninh phổ biến, nhằm ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Yonhap)

* Saudi Arabia-Syria nhất trí khôi phục quan hệ ngoại giao: Ngày 9/5, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết, nước này "đã quyết định nối lại công việc của phái bộ ngoại giao ở Syria", đồng thời khẳng định sẽ tìm cách "phát triển hành động chung của thế giới Arab".

Damascus sau đó cũng xác nhận thông tin trên, đồng thời, hãng thông tấn SANA cũng dẫn một nguồn tin Bộ Ngoại giao Syria cho hay, nước này cũng quyết định nối lại công việc của phái bộ ngoại giao tại Saudi Arabia.

Ngày 10/5, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz đã mời Tổng thống Syria Bashar al-Assad tham dự hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Arab (AL) sẽ diễn ra tại thành phố Jeddah của quốc gia vùng Vịnh. (AFP)

* Dải Gaza lại căng thẳng: Trong 2 ngày 9-10/5, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tiến hành nhiều vụ không kích nhằm vào các lực lượng vũ trang ở Dải Gaza, khiến ít nhất 13 người Palestine thiệt mạng.

Chính quyền các địa phương ở miền Nam Israel đã mở cửa các hầm trú ẩn và thông báo người dân tìm nơi an toàn để đề phòng đạn pháo trả đũa từ Gaza.

Chiều 10/5, các địa phương ở miền Nam Israel sát biên giới với Dải Gaza đã hứng một loạt rocket được cho là nhằm trả đũa các vụ tấn công trước đó của quân đội Nhà nước Do Thái.

Các địa phương của Israel chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các thành phố Ashkelon và Sredot, cũng như các khu dân cư gần Dải Gaza. Còi báo động đã được kích hoạt và hệ thống Vòm Sắt đã đánh chặn được một số rocket. Hiện chưa có thông báo về thương vong và thiệt hại tài sản của phía Israel.

Trong bối cảnh đó, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Pháp và Trung Quốc đã cùng đề xuất Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp kín vào lúc 15h ngày 10/5 (giờ New York, tức 2h sáng 11/5 giờ Việt Nam) để thảo luận tình hình. (Times of Israel)

* Khai mạc Cấp cao ASEAN lần thứ 42: Sáng 10/5, Hội nghị Cấp cao ASEAN 42 đã khai mạc tại Labuan Bajo, Indonesia. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị.

Tại phiên khai mạc, lãnh đạo các nước bày tỏ ủng hộ và nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của chủ đề "Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng", thể hiện sức sống và vị thế của ASEAN, động lực cho tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu.

Lãnh đạo các nước đã thông qua các thành tố chính của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, phác thảo tương lai của Cộng đồng trong 20 năm tới cũng như thông qua 10 văn kiện định hướng hợp tác ASEAN trong nhiều lĩnh vực.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng ra tuyên bố lên án vụ tấn công vào đoàn cứu trợ nhân đạo, gồm nhân viên của Trung tâm Điều phối và hỗ trợ thảm họa khẩn cấp ASEAN (AHA) và Nhóm giám sát hỗ trợ nhân đạo của ASEAN. (TG&VN)

Châu Mỹ

* Nguy cơ vỡ nợ liên bang, Mỹ nói sẽ là món quà cho Nga và Trung Quốc: Ngày 9/5, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói rằng, sự vỡ nợ liên bang của Mỹ nếu xảy ra sẽ là một món quà cho Trung Quốc, Nga và các đối thủ cạnh tranh khác của Washington.

Chính vì lẽ đó, Quốc hội Mỹ phải thực hiện công việc của mình và ngăn chặn tình trạng vỡ nợ.

Tuy nhiên, sau cuộc họp quan trọng giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lập pháp chủ chốt của lưỡng đảng trong cùng ngày, các bên đều không đạt được bước đột phá nào trong việc giải quyết bế tắc này.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang kêu gọi Quốc hội nâng trần nợ quốc gia, theo luật định ở mức 31,4 nghìn tỷ USD, trong khi đảng Cộng hòa có truyền thống hoài nghi về việc tăng trần nợ và ủng hộ việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ.

Trong bối cảnh đó, ông Biden úp mở khả năng có thể sẽ phải hủy chuyến đi tới châu Á trong tuần tới để tham gia Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản, từ ngày 19-21/5. (Reuters)

* Mỹ chính thức khai trương đại sứ quán tại Tonga vào ngày 9/5 và sẽ cử thêm nhân viên ngoại giao.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Đại sứ quán này nhấn mạnh sức mạnh của quan hệ song phương đối với người dân Tonga và đối tác của Washington ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đề cập "khả năng bổ nhiệm" một đại sứ thường trú của Mỹ tại Tonga. (AFP)

* Tổng thống Biden sẽ thăm Papua New Guinea vào cuối tháng 5 và gặp Thủ tướng nước chủ nhà James Marape cùng lãnh đạo các nước thành viên thuộc Diễn đàn quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) để bàn công tác triển khai kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - PIF vào năm ngoái.

Dự kiến, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận cách thức làm sâu sắc hơn nữa hợp tác ứng phó với những thách thức chính đối với khu vực cũng như với Mỹ, trong đó có chống biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên biển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. (Reuters)

* Cuba khẳng định ý chí tiếp tục phát triển quan hệ tốt đẹp nhất với EU dựa trên các nguyên tắc và mục tiêu được quy định trong Thỏa thuận Hợp tác và đối thoại chính trị (PDCA), theo chia sẻ trên Twitter của Bộ Ngoại giao nước này.

Cuba và EU ký PDCA năm 2016 nhằm củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa các bên trong lĩnh vực đối thoại chính trị, hợp tác và thương mại, cũng như tạo cơ hội trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm, như nhân quyền, các biện pháp cưỡng chế đơn phương và phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm
Việt Nam năng động, đổi mới và hấp dẫn ở WEF Đại Liên

Việt Nam năng động, đổi mới và hấp dẫn ở WEF Đại Liên

10:00 23/06/2024

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Đại Liên 2024 sẽ là cơ hội để Việt Nam truyền tải thông điệp mạnh mẽ về Việt Nam năng động, đổi mới và là điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn toàn cầu.

Khốn cùng trong cảnh loạn lạc ở Gaza

Khốn cùng trong cảnh loạn lạc ở Gaza

22:20 03/07/2024

Phát hiện nhóm trộm ắc quy ôtô, Muhammed Abu Karsh đuổi theo, rồi bị bắn chết trên con phố tối om ở Gaza.

Nga tập kích Kiev, Lviv

Nga tập kích Kiev, Lviv

15:10 24/03/2024

Giới chức Ukraine thông báo Nga tập kích thủ đô Kiev và tỉnh miền tây Lviv, trong khi Ba Lan đặt quân đội vào tình trạng sẵn sàng cao độ.

Tin thế giới 10/6: Tổng thống Nga sắp thăm Triều Tiên, lại xả súng tại Mỹ, Belarus tập trận hạt nhân với Nga

Tin thế giới 10/6: Tổng thống Nga sắp thăm Triều Tiên, lại xả súng tại Mỹ, Belarus tập trận hạt nhân với Nga

23:10 10/06/2024

Philippines - Nhật Bản sắp ký thỏa thuận hợp tác quân sự, Mỹ hỗ trợ Israel giải cứu con tin tại Gaza, Giám đốc tình báo Canada bí mật tới Ấn Độ, Tổng thống Pháp giải tán Quốc hội… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Tân bộ trưởng quốc phòng Ukraine tuyên bố giải phóng từng tấc đất, từng con người

Tân bộ trưởng quốc phòng Ukraine tuyên bố giải phóng từng tấc đất, từng con người

06:40 07/09/2023

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov đã xác định mục tiêu là giành lại toàn bộ lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát.

Mỹ điều máy bay ném bom tới gần bán đảo Triều Tiên

Mỹ điều máy bay ném bom tới gần bán đảo Triều Tiên

07:10 21/12/2023

Mỹ triển khai các máy bay ném bom chiến lược B-1B tham gia diễn tập chung với Hàn - Nhật trên vùng biển quanh bán đảo Triều Tiên

Thủ lĩnh Hamas - người qua mặt Israel suốt ba thập kỷ

Thủ lĩnh Hamas - người qua mặt Israel suốt ba thập kỷ

07:50 07/11/2023

Thủ lĩnh Hamas Sinwar từng bị Israel kết án tù, nhưng đã qua mặt tình báo nước này để được trả tự do và âm thầm lên kế hoạch tấn công.

Người chết trong trận 'đại hồng thủy' Brazil lên hơn 100

Người chết trong trận 'đại hồng thủy' Brazil lên hơn 100

12:40 09/05/2024

Số người chết trong đợt lũ kỷ lục ở miền nam Brazil đã tăng lên hơn 100, trong khi mưa bão lại ập tới cản trở công tác cứu nạn.

Chủ tịch Trung Quốc đọc thông điệp năm mới, khẳng định sẵn sàng hợp tác vì 'cộng đồng chia sẻ tương lai'

Chủ tịch Trung Quốc đọc thông điệp năm mới, khẳng định sẵn sàng hợp tác vì 'cộng đồng chia sẻ tương lai'

21:20 31/12/2023

Thông điệp năm mới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh nhiều thành quả quan trọng của đất nước trong năm qua, khẳng định hoàn toàn tin tưởng vào tương lai.

Co loi xay ra
Co loi xay ra