Thế giới rúng động: Thuyết âm mưu hay là sự rối ren binh pháp

07:00 18/02/2025

Mấy ngày gần đây, thế giới rúng động với 3 sự kiện: cuộc điện đàm giữa 2 Tổng thống Donald Trump và Vladimir Putin, Hội nghị An ninh Munich và thỏa thuận đất hiếm. Thông tin khá dày, nhưng vẫn còn “điểm mờ”, mâu thuẫn, tuyên bố gây sốc, về mối quan hệ Mỹ, Nga, EU và Ukraine.

Thứ nhất, Tổng thống Donald Trump đang “quay xe”. Không rõ chi tiết Mỹ trao đổi gì với Nga trong cuộc điện đàm tận 90 phút, nhưng có thể suy đoán quan điểm cơ bản qua ý kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth, tham vọng của Kiev gia nhập NATO và giành lại toàn bộ lãnh thổ trước năm 2014 là “không thực tế”. Qua danh tính các quan chức hàng đầu của đoàn đàm phán Mỹ với đại diện Nga, có thể thấy 2 nhà lãnh đạo còn trao đổi về quan hệ kinh tế song phương và những vấn đề quan trọng khác của khu vực, thế giới.

Có lý khi nói Tổng thống Donald Trump dứt khoát “quay xe” với người tiền nhiệm trong cách tiếp cận quan hệ song phương Mỹ-Nga, giải quyết xung đột ở Ukraine. Thực sự Mỹ toan tính gì?

Washington không muốn sa lầy trong một cuộc xung đột kéo dài, có nguy cơ đối đầu trực tiếp với Moscow; chi phí gánh vác tốn kém mà khả năng thắng xa vời, rút chân sớm có cơ thu hồi vốn. Chấm dứt xung đột ở Ukraine sẽ gia tăng vai trò chi phối của cường quốc số một trong các vấn đề nóng của thế giới, khu vực.

Hứa hẹn cải thiện quan hệ song phương với Nga, không đẩy Moscow gắn kết sâu hơn với Bắc Kinh, tránh khả năng cùng lúc phải đối đầu trên hai mặt trận, ở Ukraine và cuộc chiến thương mại, kinh tế, công nghệ với Bắc Kinh, bảo vệ ngôi vị cường quốc số một. Câu nói nổi tiếng “chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn” một lần nữa được khẳng định.

Thứ hai, Mỹ liệu có “bỏ rơi” đồng minh EU và Kiev? Thuyết âm mưu này dựa trên một loạt sự kiện: Tổng thống Donald Trump điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin trước khi “nói lại” cho Kiev, cử đại diện dự Hội nghị An ninh Munich và những tuyên bố khác nhau của các quan chức Mỹ.

Tại hội nghị, lãnh đạo châu Âu muốn Mỹ giải thích rõ quan hệ 2 bờ Đại Tây Dương, vai trò của NATO, EU, quan điểm giải quyết xung đột ở Ukraine và bày tỏ lập trường chung với Washington. Bỏ qua mối quan tâm của đồng minh, bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ JD. Vance khiến lãnh đạo các quốc gia châu Âu choáng. Ông không ngại động chạm đến những vấn đề tối kị của EU như đảng cực hữu, nhập cư, dân chủ, tự do ngôn luận… Đại diện Mỹ nhấn mạnh, mối đe dọa lớn nhất của EU không phải là Nga, Trung Quốc, mà từ bên trong - sự thoái lui của châu Âu khỏi “một số giá trị cơ bản nhất…”.

Bồi thêm, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về Nga và Ukraine, ông Keith Kellogg nói thẳng, EU sẽ không có chỗ trong bàn đàm phán về xung đột. Kiev cũng không được mời tham dự cuộc thảo luận giữa phái đoàn Mỹ và Nga vào hôm nay (18/2) ở Saudi Arabia. Đây là chuyện chưa từng thấy, đến mức có người cho rằng Mỹ “nổ súng vào đồng minh”! Hay suy diễn rằng Mỹ đến Munich “chỉ để đánh lạc hướng” sự chú ý vào chuyện bí mật giữa Washington và Moscow! Không sốc mới lạ.

Thuyết âm mưu hay là sự rối ren binh pháp
EU và Ukraine sẽ có chỗ trong bàn đàm phán về xung đột kéo dài gần 3 năm qua? (Nguồn: ASP)

Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nói lại cho rõ, Ukraine và EU sẽ là một phần của bất kỳ “cuộc đàm phán thực sự nào”. Không biết quan chức Mỹ lỡ mâu thuẫn hay họ trấn an đồng minh? Thuyết âm mưu không đủ cơ sở, nhưng có thể thấy giữa 2 bờ Đại Tây Dương chia rẽ sâu sắc trong nhiều vấn đề quan trọng và EU đang hoang mang về vai trò của mình.

Suy ngẫm kỹ, hành động của Mỹ không phải hoàn toàn vô lý. Xung đột quá phức tạp, cần đột phá để tháo gỡ bế tắc. Tuy nhiên, một số lãnh đạo châu Âu vẫn ấp ủ ý tưởng tạo thế mạnh cho Kiev trong xung đột cũng như nếu phải đàm phán! Do đó, bước đầu tiên mà mời ngay đại diện EU, Ukraine với những quan điểm cứng nhắc, chỉ thêm rối. Khi Mỹ và Nga đã định hình được khung, đại diện Ukraine, EU có thể tham gia, cũng khó vượt đường ray. Đó là sự thực dụng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump.

Thứ ba, phản ứng của EU và Kiev có xoay chuyển cục diện? EU, đặc biệt là 2 đầu tàu Đức, Pháp và Ukraine phản ứng khá mạnh. Họ nói, không thể giải quyết xung đột, liên quan đến an ninh, lợi ích của châu Âu mà không có đại diện của EU và Kiev. Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố cứng rắn “Ukraine sẽ không bao giờ chấp nhận các thỏa thuận diễn ra sau lưng mà không có sự tham gia của chúng tôi và quy tắc tương tự cũng nên áp dụng cho toàn bộ châu Âu”.

EU hơn một lần nói tới tự chủ chiến lược. Kiev kêu gọi thành lập lực lượng vũ trang chung của châu Âu, trong đó quân đội Ukraine đóng vai trò quan trọng. Thực tế ủng hộ của EU cho Kiev thời gian qua thể hiện năng lực thực sự của họ. EU có nâng mức chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP cũng phải tốn nhiều thời gian, công sức mới phần nào bù đắp lượng vũ khí đã viện trợ, duy trì an ninh của mình, nhất là khi Mỹ giảm viện trợ, đòi hỏi đồng minh tự gánh vác nhiều hơn. Đây là bài toán cực khó, khi EU gặp nhiều vấn đề về kinh tế (tăng trưởng GDP năm 2024 chỉ 0,8%, 2025 còn khó hơn với đòn thuế quan của Mỹ), bất ổn chính trị, xã hội và sự thống nhất nội khối.

Việc Tổng thống Volodymyr Zelensky từ chối thỏa thuận đất hiếm theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump không quá bất ngờ. Mỹ có những tuyên bố, động thái gây bất lợi cho Ukraine, nên Kiev chưa vội chấp nhận để có con bài mặc cả, không để mất lòng EU và lôi kéo châu Âu tiếp tục can dự vào xung đột.

Ngày 17/2, các nhà lãnh đạo châu Âu quyết định nhóm họp khẩn cấp ở Paris, Pháp để bàn cách đối phó với tình thế bất lợi. Chưa biết EU sẽ thống nhất lập trường ra sao và có biện pháp gì mới, nhưng xem ra lực bất tòng tâm. Vẫn là chạy theo những điều người khác hứa hẹn. Có thể đến một giai đoạn nào đó, đại diện EU, Kiev sẽ có chỗ trong hội nghị đàm phán, nhưng họ khó xoay chuyển cục diện, xác lập vai trò quan trọng trên bàn cờ chính trị, kinh tế, an ninh khu vực.

Thế giới rúng động: Thuyết âm mưu hay là sự rối ren binh pháp
Các nhà lãnh đạo châu Âu tham dự cuộc họp không chính thức về an ninh châu Âu và Ukraine tại Paris, do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì. (Nguồn: X)
Thứ tư, Mỹ “tặng quà” cho Nga và sắp đến đoạn cuối đường hầm? Ý kiến đó xuất phất từ đánh giá động thái “quay xe” của Mỹ. Tổng thống Donald Trump dường như khẳng định Washington và Moscow mới là “người chơi chính” trong kết thúc xung đột.

Nhìn nhận một cách khách quan, động thái của Washington phần nào đó có lợi cho Nga, thậm chí nâng cao vị thế của Moscow trước EU và Kiev. Nhưng không phải Mỹ thân thiện, ủng hộ Nga mà là tìm kiếm những lợi ích chung, theo tính toán của Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn trước thềm Hội nghị An ninh Munich, chính Phó Tổng thống JD Vance công khai đề cập việc Mỹ có thể sử dụng “đòn bẩy quân sự và kinh tế” để gây sức ép buộc Nga chấp thuận thỏa thuận theo ý định của Washington. Tuyên bố đó có thể nhằm trấn an đồng minh, gây áp lực, tạo thế đàm phán, mặc cả với Moscow. Nó cũng cho thấy toan tính, cách thức hành động của Mỹ.

Đã có những điều chỉnh về cách tiếp cận và xuất hiện khả năng đàm phán giải quyết xung đột ở Ukraine, trong tổng thể quan hệ song phương Mỹ-Nga và một số vấn đề của thế giới, khu vực. Thực tế, các cuộc đàm phán trên thế giới và ở Việt Nam (đặc biệt cuộc đấu ngoại giao trường kỳ ở Paris từ năm 1968 đến 1973) khẳng định thực lực, kết cục chiến trường, trong đó có những trận quyết chiến chiến lược mới là đòn quyết định.

Do đó, Nga vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực trên mặt trận quân sự, nhất là dứt điểm “cái gai Kursk” và giành thêm một số địa bàn quan trọng trên chiến trường; trụ vững về kinh tế, duy trì cơ bản ổn định chính trị, xã hội và củng cố, mở rộng liên kết, hợp tác với các đồng minh, đối tác. Đó mới là nhân tố quyết định.

***

Những động thái gây sốc, sự mâu thuẫn trong một số tuyên bố và thuyết âm mưu cho thấy nhiều vấn đề: các quan điểm trái chiều, sự chia rẽ lợi ích, các bên buộc phải điều chỉnh chính sách, phần nào là sự rối ren trong đối sách và những sự chưa rõ ràng… Có điều chắc chắn, con đường đến hòa bình thực sự còn dài, vô cùng gập ghềnh và nhiều chông gai. Nhưng ít nhất cũng có cái để hy vọng.

Có thể bạn quan tâm
Hình xăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gây tranh cãi

Hình xăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gây tranh cãi

17:45 31/03/2025

Bộ trưởng Hegseth xăm dòng 'kẻ ngoại đạo' bằng tiếng Arab lên cánh tay, bị chỉ trích có thể xúc phạm người Hồi giáo.

Nỗi lo với các tòa nhà cao tầng ở Bangkok sau động đất

Nỗi lo với các tòa nhà cao tầng ở Bangkok sau động đất

16:45 31/03/2025

Trận động đất khiến tòa nhà 30 tầng tại Bangkok sụp đổ đang tạo ra bầu không khí hoang mang, làm dấy lên câu hỏi về độ an toàn của các công trình.

NATO dưới thời Tổng thống Trump 2.0: 'Cái chết' được báo trước?

NATO dưới thời Tổng thống Trump 2.0: 'Cái chết' được báo trước?

00:45 31/03/2025

Khi ông Donald Trump gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là 'lỗi thời' vào năm 2016, nhiều người cho rằng đó chỉ là một tuyên bố gây tranh cãi.

Tin thế giới 19/3: Tổng thống Nga đang 'chơi trò chơi'? Ukraine tuyên bố 'lằn ranh đỏ', Israel lại thổi bùng 'lò lửa' Gaza

Tin thế giới 19/3: Tổng thống Nga đang 'chơi trò chơi'? Ukraine tuyên bố 'lằn ranh đỏ', Israel lại thổi bùng 'lò lửa' Gaza

06:45 28/03/2025

Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h qua.

Tình hình Nam Sudan: Xung đột tiếp diễn, Phó Tổng thống bị bắt, Mỹ ra mặt

Tình hình Nam Sudan: Xung đột tiếp diễn, Phó Tổng thống bị bắt, Mỹ ra mặt

06:45 28/03/2025

Các diễn biến mới nhất xung quanh thủ đô Juba ở Nam Sudan đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột tiềm tàng ở quốc gia châu Phi nhiều bất ổn này.

Đan Mạch muốn mua thêm F-35 Mỹ giữa căng thẳng vì Greenland

Đan Mạch muốn mua thêm F-35 Mỹ giữa căng thẳng vì Greenland

17:45 27/03/2025

Giới chức Đan Mạch tuyên bố muốn mua thêm tiêm kích F-35 từ Mỹ, dù quan hệ song phương đang căng thẳng vì vấn đề chủ quyền đảo Greenland.

Sau vụ máy bay chiến đấu thả bom nhầm, Mỹ-Hàn Quốc ra quyết dịnh khẩn cấp

Sau vụ máy bay chiến đấu thả bom nhầm, Mỹ-Hàn Quốc ra quyết dịnh khẩn cấp

04:01 27/03/2025

Ngày 7/3, Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) thông báo đã nhất trí tạm dừng tất cả các cuộc diễn tập bắn đạn thật.

Dàn tên lửa Houthi khiến tàu sân bay Mỹ phải dè chừng

Dàn tên lửa Houthi khiến tàu sân bay Mỹ phải dè chừng

04:00 27/03/2025

Houthi sở hữu nhiều loại tên lửa hành trình và đạn đạo chống hạm, đủ sức uy hiếp tàu sân bay Mỹ hoạt động gần Yemen.

Điểm tin thế giới sáng 21/3: Philippines mua tên lửa Ấn Độ, Phần Lan top 1 thế giới ở một lĩnh vực, Italy chỉ trích EC 'vô lý'

Điểm tin thế giới sáng 21/3: Philippines mua tên lửa Ấn Độ, Phần Lan top 1 thế giới ở một lĩnh vực, Italy chỉ trích EC 'vô lý'

04:00 27/03/2025

Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 21/3.

Co loi xay ra
Co loi xay ra
Ago Mom cải thiện khả năng thụ thai, tình trạng hiếm muộn ở phụ nữ
Ago Dad hỗ trợ sức khỏe sinh sản nam giới bổ sung dưỡng chất cần thiết, tăng cường sức khỏe, bổ thận và ích tinh cho nam giới
Ống hút giấy, cốc giấy, ly giấy, bát giấy, tô giấy, đĩa giấy
Cốc Giấy Là Gì? Tại sao chúng ta nên sử dụng Cốc Giấy?
Cốc giấy, Ly giấy
Ống hút giấy
Ống hút giấy
Du học Nhật Bản, Học bổng Nhật Bản, Việc làm tại Nhật Bản, Dịch vụ ở Nhật Bản, Aishin Hà Nội
Du học Nhật Bản
Thông tin du học