Nữ Phó thủ tướng 38 tuổi giữ lửa cho giấc mơ EU của Ukraine

09:10 02/04/2024

Ukraine chưa từng nghĩ có thể gia nhập EU, nhưng lộ trình đang dần rõ ràng hơn với họ nhờ nỗ lực dẫn dắt của Phó thủ tướng Olha Stefanishyna, một phụ nữ 38 tuổi.

Olha Stefanishyna đã dành cả cuộc đời cố gắng giúp Ukraine, quốc gia từng thuộc Liên Xô, hội nhập nhiều hơn với phương Tây. Nhiều người từng nói đây là giấc mơ viển vông, nhưng chiến sự nổ ra với Nga năm 2022 đã giúp nhiệm vụ của bà phần nào dễ dàng hơn.

Lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 6/2022 quyết định cấp tư cách ứng viên cho Ukraine trong hội nghị thượng đỉnh tại Brussels, Bỉ, gọi đây là "thời khắc lịch sử" để hướng tới tương lai "sát cánh cùng nhau". Nhưng để hướng tới tương lai đó, điều đầu tiên mà Ukraine cần làm là vượt qua được cuộc chiến với Nga.

Giữa lúc quân đội Ukraine gồng mình chống đỡ trước sức ép ngày càng dữ dội từ Nga, Stefanishyna cùng các nhà ngoại giao hàng đầu đất nước đang tiến hành cuộc chạy đua của riêng họ nhằm vạch ra con đường gia nhập EU nhanh chóng nhất cho Kiev.

Nỗ lực của bà đối mặt không ít khó khăn, khi một số thành viên EU bày tỏ lo ngại rằng khi chiến sự chấm dứt, việc kết nạp một thành viên thiếu thốn và bất ổn như Ukraine sẽ khiến họ bị hao hụt nguồn lực đáng kể.

Tâm lý dè dặt này đã được thể hiện rõ vào tuần trước, khi Pháp và Ba Lan phải thắt chặt quy định hạn chế nhập khẩu từ Ukraine, do nông dân hai nước biểu tình phản đối việc bị cạnh tranh không lành mạnh bởi nông sản nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt là của Kiev.

Stefanishyna đã phải trải qua không ít khó khăn để giữ lửa cho giấc mơ EU của Ukraine. Từng chỉ phải di chuyển khoảng 3 tiếng, bà hiện phải mất đến hơn 20 giờ để đi từ thủ đô Ukraine, nơi không có sân bay nào đang hoạt động vì mối đe dọa tấn công tên lửa liên tục, đến trụ sở EU ở Brussels.

Tại Kiev, bà làm việc trong một tòa nhà chính phủ được bảo vệ nghiêm ngặt, nơi các tấm chắn bằng kim loại sẽ tự động hạ xuống trên cửa sổ văn phòng khi còi báo động không kích vang lên.

Bà đã phải sống xa gia đình suốt nhiều tháng vào thời điểm chiến sự mới nổ ra. Bây giờ, nhiều đêm, Stefanishyna phải đưa các con ngủ trên một chiếc ôtô trong bãi đỗ xe được biến thành hầm tránh bom.

Tại Brussels, trái tim của EU, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, các lãnh đạo vẫn gặp nhau, ký kết thỏa thuận.

"Số phận của các quốc gia cũng chỉ nằm trên giấy tờ", bà nói. Điều này đồng nghĩa Stefanishyna phải truyền tải thông điệp một cách rất cẩn thận, luôn đi trên lằn ranh mong manh giữa đề nghị và cầu xin, ngay cả khi quân đội Ukraine đang chật vật ở quê nhà.

Ukraine sẽ phải vượt qua núi thách thức mang tính quan liêu của EU trên hành trình gia nhập. EU yêu cầu các nước ứng viên phải thực hiện hàng loạt cải cách luật pháp để phù hợp với bộ quy tắc đồ sộ do liên minh xây dựng. Các quốc gia phải cơ cấu lại thể chế và thị trường từ trên xuống dưới. Ngay cả trong điều kiện tốt nhất, quá trình trên có thể mất ít nhất một thập kỷ.

Đối với Ukraine, để đạt được thành công, họ phải vượt qua sự phản đối từ lãnh đạo các nước EU có quan điểm thân Nga, cũng như những người theo chủ nghĩa biệt lập cho rằng EU đã quá chật chội.

Kiev phải vừa chiến đấu trên mặt trận với Nga, vừa đàm phán với các nước EU, đồng thời yêu cầu những quốc gia có quyền quyết định tư cách thành viên cho họ viện trợ đạn dược, vũ khí và tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine.

"Việc ai đó nói rằng Ukraine thiếu kiên nhẫn, quá lo lắng hay vô ơn là điều hoàn toàn bình thường", bà cho hay. "Chúng tôi là một quốc gia vô cùng biết ơn, nhưng các con chúng tôi đang sống dưới bom đạn".

Stefanishyna sinh năm 1991 ở Odessa. Bà đang học đại học vào năm 2004 và 2005, khi người Ukraine xuống đường phản đối cáo buộc ứng viên thân Nga Viktor Yanukovych có hành vi gian lận phiếu bầu để giành ghế tổng thống từ đối thủ Viktor Yushchenko.

Bà tốt nghiệp ngành luật vào năm 2008 và làm việc tại Bộ Tư pháp, đặt nền tảng pháp lý cho mối hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa EU và Ukraine.

Khi đó, tư cách thành viên EU của Ukraine là điều không tưởng. Điều khả thi duy nhất là một thỏa thuận liên kết chính trị và thương mại tự do với EU.

Năm 2010, Yanukovych đắc cử tổng thống và hứa sẽ ký hiệp định. Nhưng tháng 11/2013, dưới áp lực từ Nga, ông thay đổi quyết định, châm ngòi cho phong trào biểu tình Euromaidan khiến hơn 100 người thiệt mạng. Áp lực của người biểu tình khiến Tổng thống Yanukovych từ bỏ chức vụ và chạy sang Nga.

Trong những tuần tiếp theo, Nga thúc đẩy các bước nhằm sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ. Giao tranh ở khu vực miền đông Donbass giữa lực lượng ly khai thân Nga và quân đội chính phủ cũng nổ ra.

Những gì đã chứng kiến khiến Stefanishyna tin rằng người Ukraine có thể làm được mọi thứ nhờ quyết tâm. "Nó chảy trong máu chúng tôi, chỉ người dân mới có thể giữ vững mặt trận", bà nói.

Khi Nga phát động chiến sự vào ngày 24/2/2022, Stefanishyna gửi các con đến Slovakia ở với ông bà nội, còn bà ở lại để cùng các quan chức khác ứng phó với cuộc khủng hoảng.

"Chúng tôi nhìn thấy mọi thứ mình xây dựng trong 10 năm qua tan thành tro bụi", bà cho hay. "Những con đường, những tòa nhà, cuộc sống của người dân đang biến mất".

Nhưng Stefanishyna cũng biết cuộc xung đột sẽ khiến công việc bà đang đảm nhận trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Ngày 28/2/2022, chỉ 4 ngày sau khi Nga nổ súng tấn công, Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi EU nhanh chóng phê duyệt tư cách thành viên cho Ukraine, điều mà nhiều nhà ngoại giao châu Âu lúc đó mô tả là "quá xa vời".

Tổng thống Zelensky vẫn khẩn trương thúc giục các lãnh đạo khu vực, thường bằng những cuộc gọi video từ thủ đô Kiev bị tàn phá nặng nề bởi chiến sự.

Sau khi lực lượng Nga rút lui khỏi Kiev vào cuối tháng 3, Stefanishyna đã đổi bộ âu phục và giày cao gót của mình để khoác lên bộ quân phục, đưa các quan chức châu Âu tới chứng kiến cảnh hoang tàn tại những vùng ngoại ô thủ đô.

Đến tháng 6, EU cấp tư cách ứng viên cho Ukraine. Zelensky gọi đây là "chiến thắng" mà đất nước ông đã phấn đấu không chỉ kể từ khi xung đột với Nga nổ ra mà còn kể từ khi tuyên bố độc lập năm 1991. "Chúng tôi đã chờ đợi 120 ngày và 30 năm", ông nói.

Một quan chức EU khi đó nhận xét những gì Ukraine làm trong hai tuần đã thúc đẩy khối nhiều hơn toàn bộ nỗ lực của họ trong 25 năm.

Stefanishyna cũng ngạc nhiên trước tốc độ quá nhanh. Trước xung đột, "chúng tôi thậm chí không dám nghĩ đến việc nộp đơn", bà cho hay.

Stefanishyna đã nỗ lực rất nhiều cho khoảnh khắc này. Nhưng vào một buổi sáng mưa phùn tháng 12 năm ngoái, tình hình ở Brussels có vẻ ảm đạm.

Ngay trước thời điểm EU dự định chấp thuận mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Ukraine, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đe dọa sẽ ngăn chặn quá trình này.

Mạng điện thoại lớn nhất Ukraine bị tin tặc đánh sập, khiến Stefanishyna không thể gọi về Kiev. Tổng thống Zelensky gọi điện không ngừng nghỉ để cập nhật thông tin, giữ liên lạc qua WiFi.

Khi chuẩn bị cho những cuộc thảo luận căng thẳng, bà vô cùng lo sợ về việc câu trả lời "không" từ EU sẽ tác động như thế nào đến tâm lý ở quê nhà. Hai ngày sau, các lãnh đạo EU thuyết phục Thủ tướng Orban rời khỏi phòng vào thời điểm quan trọng, để các lãnh đạo khác bỏ phiếu đạt được thỏa thuận cho Ukraine.

Câu hỏi bây giờ là liệu Ukraine có thể duy trì vị thế của mình hay không. Dù lãnh đạo Hungary đã nhượng bộ trong các cuộc đàm phán, ông và những người khác vẫn có nhiều cơ hội ngăn chặn quá trình kết nạp Ukraine trong những năm tới.

Dù có chuyện gì xảy ra, Stefanishyna khẳng định bà sẽ tiếp tục đấu tranh. "Hãy cứ để giao tranh diễn ra đến khi nào cần. Cho đến khi chúng tôi có được chiến thắng", bà nhấn mạnh.

Vũ Hoàng (Theo Washington Post, AFP, Reuters)

Có thể bạn quan tâm
Mỹ nói không liên quan vụ tập kích tòa lãnh sự Iran ở Syria

Mỹ nói không liên quan vụ tập kích tòa lãnh sự Iran ở Syria

07:20 12/04/2024

Mỹ không liên quan vụ tập kích tòa lãnh sự Iran ở Syria và cảnh báo Tehran không lấy sự việc làm cớ để leo thang căng thẳng khu vực.

Tuyên bố chung Việt Nam - Nga

Tuyên bố chung Việt Nam - Nga

01:50 21/06/2024

Việt Nam - Nga ra Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Vladimir Putin.

Iran cảnh báo Mỹ phải tránh xa xung đột, bất kỳ hành động nào chống Iran đều sẽ bị đáp trả

Iran cảnh báo Mỹ phải tránh xa xung đột, bất kỳ hành động nào chống Iran đều sẽ bị đáp trả

08:40 14/04/2024

Iran lên tiếng cảnh báo Mỹ tránh xa xung đột với Israel sau khi tấn công Israel bằng máy bay không người lái và tên lửa.

Belarus nói Ba Lan có quyền triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ, còn Minsk bắt buộc phải làm điều này

Belarus nói Ba Lan có quyền triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ, còn Minsk bắt buộc phải làm điều này

21:00 23/02/2024

Ngày 22/2, Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin cho hay, Minsk sẽ theo dõi mục đích và loại vũ khí hạt nhân của Mỹ mà Ba Lan đang triển khai.

Campuchia thông báo về chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị

Campuchia thông báo về chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị

07:20 19/04/2024

Ngày 18/4, Thông tấn xã Campuchia (AKP) đưa tin, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ thăm chính thức quốc gia Đông Nam Á này từ ngày 21-23/4.

Chảo lửa Trung Đông: Hezbollah nã loạt rocket, Mỹ tuyên bố bảo vệ Israel, IDF lần đầu lên tiếng về vụ thủ lĩnh Hamas bị ám sát

Chảo lửa Trung Đông: Hezbollah nã loạt rocket, Mỹ tuyên bố bảo vệ Israel, IDF lần đầu lên tiếng về vụ thủ lĩnh Hamas bị ám sát

08:00 02/08/2024

Lực lượng Hezbollah ở Lebanon cho biết, họ đã nã loạt tên lửa vào miền Bắc Israel, trong khi phong trào Houthi ở Yemen cũng tuyên bố sẽ có phản ứng quân sự với vụ thủ lĩnh Hamas bị sát hại.

Tin thế giới 25/12: Israel tấn công sâu vào Gaza, Nga bắn rơi 4 máy bay Ukraine, Trung Quốc lại tố Philippines 'cấu kết' ở Biển Đông

Tin thế giới 25/12: Israel tấn công sâu vào Gaza, Nga bắn rơi 4 máy bay Ukraine, Trung Quốc lại tố Philippines 'cấu kết' ở Biển Đông

21:40 25/12/2023

Nga - Cuba nối lại đường bay thẳng, Iran bác cáo buộc tấn công tàu có thuỷ thủ Việt Nam, cháy lớn trên tàu phá băng hạt nhân của Nga, Trung Quốc phóng thành công 4 vệ tinh khí tượng ... là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Ngoại trưởng Ai Cập: Mối đe dọa ở Biển Đỏ gây tổn hại trực tiếp đến lợi ích của Cairo

Ngoại trưởng Ai Cập: Mối đe dọa ở Biển Đỏ gây tổn hại trực tiếp đến lợi ích của Cairo

11:20 28/02/2024

Ngày 27/2, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry bày tỏ quan ngại về căng thẳng quân sự lan rộng ở Biển Đỏ, gây ra mối đe dọa chưa từng có với một trong những hành lang hàng hải quốc tế quan trọng nhất này.

Đức triển khai lượng cảnh sát kỷ lục đối phó hooligan tại Euro

Đức triển khai lượng cảnh sát kỷ lục đối phó hooligan tại Euro

04:30 15/06/2024

Đức huy động 22.000 cảnh sát, lực lượng lớn nhất lịch sử, triển khai nhiều biện pháp đối phó hooligan, đảm bảo an ninh trong Euro 2024.

Co loi xay ra
Co loi xay ra
Ago Mom cải thiện khả năng thụ thai, tình trạng hiếm muộn ở phụ nữ
Ago Mom cải thiện khả năng thụ thai, tình trạng hiếm muộn ở phụ nữ
Ago Dad hỗ trợ sức khỏe sinh sản nam giới bổ sung dưỡng chất cần thiết, tăng cường sức khỏe, bổ thận và ích tinh cho nam giới