Mỹ có thể âm thầm thay đổi chiến lược tại Ukraine

07:00 29/12/2023

Truyền thông Mỹ đưa tin chính quyền Biden đang lặng lẽ chuyển trọng tâm từ hỗ trợ Ukraine đánh bại Nga sang giúp nước này cải thiện vị thế trên bàn đàm phán.

Tờ Politico của Mỹ hôm 27/12 dẫn lời hàng loạt quan chức Mỹ giấu tên và một nhà ngoại giao nước ngoài ở thủ đô Washington, cho biết giới chức Mỹ và châu Âu đang "âm thầm thay đổi trọng tâm chiến lược, từ hỗ trợ mục tiêu chiến thắng toàn diện của Ukraine trước Nga sang cải thiện vị thế của họ khi đàm phán chấm dứt chiến sự".

Trong các phát biểu công khai, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc vẫn khẳng định không có thay đổi nào về chính sách, nhấn mạnh họ luôn duy trì ủng hộ Ukraine trong mục tiêu đẩy lùi toàn bộ lực lượng Nga về ranh giới trước chiến sự.

Tuy nhiên, đằng sau hậu trường, các quan chức Mỹ và châu Âu đang thảo luận phương án rút các đơn vị Ukraine khỏi chiến dịch phản công bế tắc, bố trí lực lượng này đến những vị trí phòng thủ kiên cố hơn nhằm ngăn chặn bước tiến của quân đội Nga ở mặt trận miền đông.

Anthony Pfaff, chuyên gia tình báo tại Cao đẳng Chiến tranh Lục quân Mỹ, cho rằng chuyển chiến lược từ tiến công sang phòng thủ có thể giúp Ukraine tiết kiệm đáng kể nguồn lực và ngăn cản đà tiến quân của Nga, buộc Moskva chấp nhận phương án thỏa hiệp với Kiev.

Tổng thống Biden (phải) tiếp người đồng cấp Zelensky tại Nhà Trắng ngày hồi tháng 9. Ảnh: Reuters

"Nỗ lực bao gồm tăng cường năng lực phòng không, xây dựng hàng loạt phòng tuyến dọc biên giới phía bắc Ukraine giáp với Belarus. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng tập trung vào nhanh chóng khôi phục ngành công nghiệp quốc phòng của Kiev nhằm đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của họ, giữa lúc quốc hội Mỹ chưa phê duyệt các khoản viện trợ quân sự mới", một quan chức nói.

Phần lớn thay đổi trong chiến lược nhằm mục đích cải thiện vị thế của Ukraine trong những cuộc đàm phán tương lai.

"Tư duy xuyên suốt của chúng tôi là chiến sự chỉ có thể kết thúc thông qua đàm phán. Chúng tôi muốn Ukraine có lợi thế lớn nhất khi điều này diễn ra. Điều đó không có nghĩa là Mỹ ngăn cản Ukraine mở những cuộc tiến công mới", phát ngôn viên Nhà Trắng giấu tên nói, nhưng nhấn mạnh rằng chưa có cuộc đối thoại nào được lên kế hoạch.

Xử lý cuộc chiến kéo dài gần hai năm giữa lúc sắp diễn ra cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sẽ là thách thức không nhỏ với ông Biden. Chính quyền Mỹ không muốn tạo cảm giác rằng Washington trao lợi thế cho Moskva khi thúc đẩy Kiev chuyển từ thế công sang thế thủ, nhất là khi ông Biden từng nhiều lần khẳng định Mỹ sẽ hoàn toàn ủng hộ Ukraine đến khi chiến thắng.

"Các cuộc thảo luận về đàm phán hòa bình đang bắt đầu, nhưng chính quyền Mỹ không thể công khai lùi bước để tránh rủi ro chính trị với ông Biden", một quan chức quốc hội Mỹ giấu tên cho hay.

Những phát biểu của Tổng thống Biden trong năm qua đã chuyển từ "Mỹ sẽ ủng hộ Ukraine đến cùng" sang "Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine lâu nhất có thể". Ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố Ukraine "đã giành thắng lợi to lớn" và "Tổng thống Vladimir Putin đã thất bại".

Một số nhà phân tích nhận định đây là cách Washington phát tín hiệu đến Kiev, nhằm hối thúc Ukraine tuyên bố chiến thắng một phần, tìm cách đàm phán ngừng bắn và có thể phải nhượng một phần lãnh thổ cho Nga.

"Thời gian là bất lợi lớn với nhân lực và nguồn lực công nghiệp của Ukraine, ngay cả khi phương Tây duy trì viện trợ. Chiến sự càng kéo dài, họ sẽ càng phải nhượng bộ nhiều hơn chỉ để kéo phía Nga đến bàn đàm phán", George Beebe, cựu chuyên gia phân tích Nga thuộc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhận xét.

Nga sáp nhập các vùng Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhzhia hồi năm ngoái và tuyên bố sẽ không từ bỏ các vùng lãnh thổ này. Trong khi đó, Ukraine khẳng định sẽ chiến đấu đến khi giành lại toàn bộ khu vực Nga đang kiểm soát, kể cả bán đảo Crimea, và sẽ không đàm phán khi ông Putin còn nắm quyền.

"Nếu những người quyết liệt với Nga ở Ukraine, Mỹ và châu Âu có nhu cầu đàm phán, chúng tôi sẽ làm như vậy. Nhưng Moskva sẽ đàm phán dựa trên lợi ích quốc gia, chúng tôi không từ bỏ những gì thuộc về mình và không có ý định gây chiến với châu Âu", ông Putin phát biểu trong cuộc họp với lãnh đạo Bộ Quốc phòng ngày 19/12.

Ông chủ Điện Kremlin cũng tuyên bố quân đội Nga hiện nắm thế chủ động trên chiến trường và không từ bỏ các mục tiêu trong "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Nhà ngoại giao châu Âu ở Mỹ cho biết các nước phương Tây đang để ngỏ khả năng thúc đẩy tiến trình kết nạp Ukraine vào NATO nhằm giúp nước này "đạt lợi thế tốt nhất" khi đàm phán với Nga. Đây có thể là yếu tố khiến Tổng thống Putin chấp nhận đàm phán, do ông dường như vẫn muốn đạt thỏa thuận chiến lược với Mỹ để ngăn Ukraine gia nhập NATO.

Trong khi đó, chính quyền Mỹ nhấn mạnh tư cách thành viên liên minh quân sự không phải là yếu tố để đem ra đàm phán. "Tổng thống Biden đã thể hiện rõ ràng gia nhập NATO sẽ là một phần trong tương lai của Ukraine", phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby cho hay.

Vũ Anh (Theo Politico, RIA Novosti, Reuters)

Có thể bạn quan tâm
Nga bắt giữ PGĐ Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga Roscosmos, Ukraine bắt quan chức quốc phòng cấp cao

Nga bắt giữ PGĐ Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga Roscosmos, Ukraine bắt quan chức quốc phòng cấp cao

12:10 23/12/2023

Theo hãng tin Interfax, cảnh sát Nga ngày 22/12 thông báo đã bắt giữ ông Oleg Frolov, Phó giám đốc Cơ quan vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos) với cáo buộc biển thủ 435 triệu Rubles (4,7 triệu USD) khi mua sắm trang thiết bị.

Những đường dây hậu trường kết nối Nga - Ukraine

Những đường dây hậu trường kết nối Nga - Ukraine

19:20 29/10/2023

Cách xa tầm mắt công chúng và phía sau khói lửa chiến tuyến, Ukraine và Nga vẫn trao đổi thông tin với nhau nhờ những kênh liên lạc đặc biệt.

Mỹ lần đầu tấn công tên lửa phòng không Houthi

Mỹ lần đầu tấn công tên lửa phòng không Houthi

08:00 01/02/2024

Mỹ thông báo tập kích bệ tên lửa phòng không Houthi chuẩn bị khai hỏa, cho rằng nó là 'mối đe dọa cận kề' với máy bay của nước này.

Trung Quốc sắp hoàn thành đường sắt cao tốc tới biên giới Việt - Trung

Trung Quốc sắp hoàn thành đường sắt cao tốc tới biên giới Việt - Trung

13:10 09/08/2023

Trung Quốc bắt đầu lắp ray cho tuyến đường sắt cao tốc tới Đông Hưng, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, gần biên giới với Việt Nam.

Căng thẳng Nagorno-Karabakh: Tổng thống Azerbaijan nêu điều kiện dừng chiến dịch quân sự, Nga sơ tán hơn 2000 người, Baku sẽ ‘tung đòn quyết định’?

Căng thẳng Nagorno-Karabakh: Tổng thống Azerbaijan nêu điều kiện dừng chiến dịch quân sự, Nga sơ tán hơn 2000 người, Baku sẽ ‘tung đòn quyết định’?

19:10 20/09/2023

Ngày 20/9, các đơn vị quân đội Azerbaijan đã tấn công các cơ sở phòng không, cùng một số trung tâm liên lạc và sở chỉ huy quân đội Armenia ở Nagorno-Karabakh.

Ukraine chỉ trích báo Mỹ 'làm việc cho Nga'

Ukraine chỉ trích báo Mỹ 'làm việc cho Nga'

17:30 26/12/2023

Ukraine cáo buộc New York Times 'làm việc cho Nga', sau khi đăng bài viết về triển vọng đàm phán hòa bình Moskva - Kiev.

Bạo loạn ở New Caledonia: Tổng thống Pháp chủ trì họp khẩn lần thứ 3 trong chưa đầy một tuần

Bạo loạn ở New Caledonia: Tổng thống Pháp chủ trì họp khẩn lần thứ 3 trong chưa đầy một tuần

15:40 20/05/2024

Ngày 20/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron triệu tập cuộc họp hội đồng quốc phòng và an ninh để thảo luận tình hình bạo loạn ở New Caledonia, vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Thái Bình Dương.

ASEAN - Những ngày không quên!

ASEAN - Những ngày không quên!

10:50 07/04/2024

Nghiền ngẫm những trang sách về hành trình của Việt Nam trong ASEAN, tôi nhận ra rằng nếu nói con đường Việt Nam gia nhập ASEAN là lẽ đương nhiên và “phẳng phiu” là không đúng! ASEAN và Việt Nam đã tưởng chừng là những “đường thẳng song song” mãi mãi nhưng khi “vận mệnh” đổi thay cả Việt Nam và ASEAN lại trở thành những mảnh ghép tròn trịa, cùng nhau viết lên những câu chuyện đẹp.

Ukraine tố Nga phóng tên lửa vào tàu hàng

Ukraine tố Nga phóng tên lửa vào tàu hàng

15:50 09/11/2023

Quân đội Ukraine cho biết Nga phóng tên lửa chống radar trúng tàu hàng dân sự đang cập một cảng tại tỉnh Odessa.

Co loi xay ra
Co loi xay ra