Liên minh hai gia tộc quyền lực nhất Philippines sụp đổ

00:50 07/02/2024

Hai năm sau khi bắt tay để thúc đẩy quyền lực, liên minh giữa gia tộc Duterte và Marcos tan rã vì nhiều bất đồng về tài chính và lập pháp.

Cựu tổng thống Rodrigo Duterte tuần trước đưa ra đề xuất đảo Mindanao ly khai khỏi Philippines, khiến chính phủ của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. phản ứng quyết liệt, cảnh báo sẵn sàng dùng vũ lực để ngăn cản. Đây là căng thẳng mới nhất giữa hai gia tộc chính trị Duterte và Marcos, sau khi liên minh quyền lực giữa họ tan rã vì những bất đồng trong việc sửa đổi hiến pháp Philippines.

Liên minh giữa hai gia đình có ảnh hưởng lớn nhất ở Philippines được coi là yếu tố quan trọng để ông Duterte chuyển giao quyền lực thuận lợi cho chính quyền ông Marcos vào năm 2022, trong đó bà Sara, con gái ông Duterte, giữ chức Phó tổng thống.

Temario Rivera, chủ tịch Trung tâm Trao quyền Quản lý cho Người dân có trụ sở ở Philippines, gọi đây là "liên minh chính trị mang tính cơ hội" và chỉ là tạm thời trong giai đoạn chuyển giao giữa hai chính quyền. Ông cho rằng các liên minh như vậy thường không kéo dài và sớm muộn sẽ sụp đổ, nhưng tỏ ra bất ngờ trước mức độ tan rã quá nhanh của nó.

"Mọi chuyện đã đến ngưỡng không thể quay đầu", Jean Encinas-Franco, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Philippines, bình luận về căng thẳng giữa hai gia tộc quyền lực nhất đất nước.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (trái) và cựu tổng thống Rodrigo Duterte tại Manila hồi tháng 6/2022. Ảnh: Reuters

Mối bất hòa giữa hai gia tộc bắt đầu khi chính quyền Tổng thống Marcos cắt giảm ngân sách bí mật dành cho Phó tổng thống Sara Duterte. Quyết định này được đưa ra sau khi truyền thông Philippines năm ngoái đưa tin về khoản chi 2,2 triệu USD từ ngân sách bí mật của bà Sara trong 11 ngày đầu nhiệm kỳ.

Quốc hội Philippines sau đó mở cuộc điều tra và yêu cầu giải trình về quỹ bí mật, khoản tiền các cơ quan chính phủ có thể chi mà không bị giám sát. Chủ tịch Hạ viện Martin Romualdez, đồng minh thân cận và là anh em họ với ông Marcos, phủ nhận khởi xướng cuộc điều tra vì mục đích chính trị.

Căng thẳng leo thang khi các quỹ bí mật bị cắt khỏi ngân sách năm 2024 của văn phòng bà Sara, trong khi các quỹ của Tổng thống Marcos không bị ảnh hưởng.

Giới phân tích cho rằng mối bất hòa không chỉ nằm ở vấn đề ngân sách. Anthony Borja, phó giáo sư tại Đại học De La Salle ở Manila, lưu ý rằng vấn đề quỹ bí mật chỉ là một trong những căng thẳng ngày càng lớn giữa hai gia tộc.

Cleve Argulles, nhà khoa học chính trị kiêm giám đốc điều hành công ty nghiên cứu dư luận WR Numero ở Manila, cho biết sự tan rã là không thể tránh khỏi do mối quan hệ "bằng mặt không bằng lòng" giữa hai gia tộc kể từ khi bắt đầu lập liên minh trước thềm bầu cử tổng thống năm 2022.

Ông Marcos là con trai của cựu tổng thống Ferdinand E. Marcos, người đã cai trị Philippines từ năm 1965 tới 1986. Việc Ferdinand E. Marcos thiết quân luật trên toàn lãnh thổ Philippines từ năm 1972 đã dẫn tới làn sóng phẫn nộ trong dân chúng, châm ngòi cho cuộc Cách mạng Quyền lực Nhân dân bùng nổ vào năm 1986, lật đổ chính quyền của ông.

Khi mới 29 tuổi, Marcos "con" phải cùng bố mẹ tới sống lưu vong ở Hawaii. Sau khi cha qua đời ở Hawaii năm 1989, ông cùng gia đình quay lại Philippines vào năm 1991 và trở thành những chính trị gia giàu có, nhiều sức ảnh hưởng ở tỉnh Ilocos Norte, nơi được ví như "thành trì" của gia tộc Marcos.

Năm 2021, Marcos thông báo ra tranh cử tổng thống trong liên danh với bà Sara. Sự hỗ trợ của gia tộc Duterte được coi là yếu tố quan trọng để Tổng thống đương nhiệm lên nắm quyền thuận lợi.

Sau khi mãn nhiệm, ông Duterte rút về Davao, thành phố lớn nhất đảo Mindanao, nơi gia tộc của ông đã gây dựng quyền lực và cai quản suốt hai thập kỷ.

Mối bất hòa giữa hai gia tộc lan rộng khi con trai cả của ông Duterte là Paolo bị giám sát vì chi tiêu công quá mức. Trong khi đó, chính quyền ông Marcos phát động chiến dịch Bagong Pilipinas (Philippines mới), làm nổi bật sự khác biệt giữa hai gia tộc. Chiến dịch được xem là sự hồi sinh cho phong trào chính trị Xã hội mới của cha ông.

Ông Marcos bày tỏ ủng hộ với nỗ lực sửa đổi hiến pháp năm 1987, cho rằng nó giúp giảm bớt các quy định cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, ông Duterte phản đối nỗ lực này, cáo buộc Tổng thống Philippines lợi dụng việc sửa đổi hiến pháp để duy trì quyền lực.

Tổng thống Marcos sau khi lên nắm quyền cũng đảo ngược lập trường thân Trung Quốc của ông Duterte để củng cố quan hệ với Mỹ, cho phép Washington tiếp cận nhiều hơn với các căn cứ của Philippines.

Một đòn giáng mạnh khác vào mối quan hệ này xảy ra hồi tháng 11/2023, khi ông Marcos cho biết xem xét đưa Philippines tham gia trở lại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Ông Duterte đã rút tư cách thành viên ICC của Philippines vào năm 2018, sau khi công tố viên tòa án thông báo mở cuộc điều tra về cuộc chiến chống ma túy được ông phát động khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

Ông Rodrigo Duterte (hàng đầu, bên trái) và con gái Sara Duterte-Carpio (váy xanh) dự một sự kiện ở Tokyo, Nhật Bản tháng 10/2019. Ảnh: Reuters

Căng thẳng gia tăng đến mức tại sự kiện gần đây ở Davao, ông Duterte tung đòn công kích cá nhân Tổng thống Marcos, mô tả ông là "người nghiện ma túy", dù Cơ quan phòng chống ma túy Philippines cho biết ông Marcos chưa từng nằm trong danh sách "theo dõi ma túy" của chính phủ.

Sebastian Duterte, con trai út của cựu tổng thống Duterte và là thị trưởng Davao, còn kêu gọi Tổng thống Marcos từ chức vì các "sai lầm" như chính sách đối ngoại thân Mỹ mà ông xem là "gây nguy hiểm" cho cuộc sống của dân thường Philippines.

Tổng thống Philippines phản pháo, cho rằng cáo buộc mà Duterte đưa ra bắt nguồn từ việc chính ông đã sử dụng fentanyl để kiểm soát con đau.

"Tôi nghĩ đó là fentanyl, loại thuốc giảm đau mạnh nhất bạn có thể mua. Nó dễ gây nghiện và có tác dụng phụ nghiêm trọng", Tổng thống Marcos nói, cáo buộc ông Duterte dùng loại thuốc này trong thời gian "rất dài".

Ông Duterte từng thừa nhận sử dụng fentanyl như thuốc giảm đau khi bị thương trong vụ tai nạn xe máy năm 2016, song cho biết đã ngừng sử dụng trước khi trở thành tổng thống.

Các nhà phân tích cho rằng căng thẳng với gia tộc Duterte có thể đe dọa các kế hoạch đầy tham vọng của ông Marcos về phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm, đại tu cơ sở hạ tầng và củng cố lực lượng quân sự Philippines.

"Liên minh hai gia tộc đổ vỡ có nguy cơ gây chia rẽ trong quân đội và cho thấy những vấn đề nghiêm trọng về quản trị cũng như sự ổn định của nền chính trị đất nước", chuyên gia Rivera nói.

Philippines sẽ bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2025 để chọn nửa số ghế Thượng viện và bầu các nhà lập pháp cùng quan chức địa phương. Nếu các ứng viên mà ông Marcos ủng hộ thất bại, chương trình nghị sự lập pháp của Tổng thống Philippines có thể bị đe dọa.

Nhiều nhà quan sát cho rằng liên minh sụp đổ có thể liên quan tới cuộc đua tổng thống năm 2028, khi bà Sara dự kiến ra tranh cử. Cuộc khảo sát của tổ chức thăm dò ý kiến Social Weather Stations năm 2023 cho thấy bà là lựa chọn hàng đầu cho vị trí tổng thống năm 2028.

"Mâu thuẫn giữa hai gia tộc sẽ trở nên công khai hơn trong năm nay", Ronald Llamas, nhà phân tích chính trị và từng là cố vấn tổng thống Philippines, nhận định.

Thanh Tâm (Theo Straitimes Times, Nikkei Asia, Reuters)

Có thể bạn quan tâm
Cháy nhà máy lọc dầu, sập nguồn điện ở 3 ngôi làng Ukraine do Nga không kích

Cháy nhà máy lọc dầu, sập nguồn điện ở 3 ngôi làng Ukraine do Nga không kích

23:40 01/11/2023

Ukraine tố cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga gây ra hỏa hoạn tại nhà máy lọc dầu Kremenchuk và đánh sập nguồn cung điện ở 3 ngôi làng.

Iran phát triển thành công công nghệ tên lửa hành trình siêu thanh

Iran phát triển thành công công nghệ tên lửa hành trình siêu thanh

19:30 09/08/2023

Là thế hệ tên lửa hành trình mới nhất do Iran tự chế tạo, tên lửa hành trình siêu thanh này đang được thử nghiệm và sẽ mở ra chương mới trong sức mạnh phòng thủ của Iran.

Nga truy nã phát ngôn viên Meta

Nga truy nã phát ngôn viên Meta

07:30 27/11/2023

Nga đưa phát ngôn viên gã khổng lồ công nghệ Meta vào danh sách truy nã, song chưa tiết lộ các cáo buộc nhằm vào người này.

Ông Zelensky: Nga muốn đổ lỗi cho Ukraine về vụ khủng bố nhà hát

Ông Zelensky: Nga muốn đổ lỗi cho Ukraine về vụ khủng bố nhà hát

09:20 24/03/2024

Tổng thống Zelensky nói Nga đang tìm cách đổ lỗi cho Ukraine về vụ khủng bố nhà hát ở tỉnh Moskva khiến 133 người thiệt mạng.

Mỹ sở hữu tiêm kích tàng hình đầu tiên mang được bom hạt nhân

Mỹ sở hữu tiêm kích tàng hình đầu tiên mang được bom hạt nhân

12:10 09/03/2024

Mỹ chứng nhận mẫu F-35A mang được bom B61-12, trở thành tiêm kích tàng hình đầu tiên trên thế giới có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tin thế giới 5/4: Nga triệu Đại sứ Hàn Quốc phản đối lệnh trừng phạt, Ukraine tấn công căn cứ không quân Nga, Iran cân nhắc phương án trả đũa Israel

Tin thế giới 5/4: Nga triệu Đại sứ Hàn Quốc phản đối lệnh trừng phạt, Ukraine tấn công căn cứ không quân Nga, Iran cân nhắc phương án trả đũa Israel

21:50 05/04/2024

Vụ trộm 30 triệu USD tiền mặt ở Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan hợp tác nghiên cứu Mặt Trăng, Nga bàn giao nhiều lô vũ khí mới cho quân đội, tiết lộ thông tin điều tra vụ khủng bố nhà hát Crocus… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Bộ trưởng Israel nêu ý tưởng đưa quân vào nam Lebanon

Bộ trưởng Israel nêu ý tưởng đưa quân vào nam Lebanon

17:40 20/05/2024

Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich, lãnh đạo đảng cực hữu trong liên minh cầm quyền Israel, kêu gọi đưa quân vào Lebanon nếu Hezbollah không rút khỏi biên giới.

Bom lượn Nga thách thức phòng tuyến Ukraine

Bom lượn Nga thách thức phòng tuyến Ukraine

07:50 01/04/2024

Nga sử dụng ngày càng nhiều bom lượn để oanh tạc phòng tuyến Ukraine, trong khi Kiev chưa tìm ra phương án hiệu quả để đối phó.

Người đàn ông Nga lĩnh ba năm tù vì chế giễu cậu bé đội mũ chữ Z

Người đàn ông Nga lĩnh ba năm tù vì chế giễu cậu bé đội mũ chữ Z

23:30 10/06/2024

Alexander Neustroyev bị kết án ba năm tù vì chế giễu một cậu bé đội chiếc mũ có chữ 'Z', biểu tượng ủng hộ quân đội Nga.

Co loi xay ra
Co loi xay ra