Làn sóng mệt mỏi vì xung đột Ukraine ở châu Âu

07:20 20/12/2023

Sau gần hai năm xung đột Nga - Ukraine, hầu hết lãnh đạo châu Âu vẫn ủng hộ Kiev, song họ đối mặt làn sóng mệt mỏi gia tăng từ người dân trong nước.

Sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine hồi tháng 2/2022, Kiev nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả giới lãnh đạo và người dân châu Âu. Các nước thành viên và Liên minh châu Âu (EU) đã áp loạt lệnh trừng phạt chưa từng có chống lại Nga, đồng thời cung cấp cho Ukraine số tiền viện trợ lên tới 145 tỷ USD, theo Viện Kiel ở Đức.

Để giúp đỡ người tị nạn Ukraine, các thành viên EU đã kích hoạt Quy chế bảo vệ tạm thời trong những tháng đầu chiến sự, cho phép người Ukraine nhập cảnh vào khối và di chuyển tự do giữa các nước mà không cần các thủ tục thông thường.

Tuy nhiên, sự ủng hộ của dư luận châu Âu với Ukraine đã thay đổi đáng kể. Theo khảo sát được Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR) tiến hành hồi tháng 1, trung bình 38% người dân châu Âu muốn Ukraine giành lại toàn bộ lãnh thổ. Nhưng trong cuộc thăm dò gần nhất vào tháng 9-10, tỷ lệ này giảm xuống 34%.

Tỷ lệ người nghĩ rằng xung đột Nga - Ukraine cần kết thúc càng sớm càng tốt, ngay cả khi điều đó có nghĩa Kiev mất một số lãnh thổ, về cơ bản ổn định ở mức 28-29%

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Kiev hồi tháng 5. Ảnh: Reuters

Dư luận một số quốc gia vẫn ủng hộ Ukraine giành lại toàn bộ lãnh thổ thay vì kết thúc cuộc chiến sớm nhất có thể là Estonia với tỷ lệ 63%, Đan Mạch với 46%, Ba Lan là 43% và Anh là 41%. Người dân một số nước, như Đức, Romania, Pháp có quan điểm ôn hòa hơn, cho rằng chiến tranh nên kết thúc càng sớm càng tốt ngay cả khi điều đó khiến Ukraine phải mất một phần lãnh thổ.

Song các nhà khảo sát của ECFR chỉ ra ở tất cả quốc gia trên, tỷ lệ ủng hộ Ukraine tiếp tục cuộc chiến để bảo toàn lãnh thổ đều suy giảm so với hồi tháng 1. Trong đó, sụt giảm đáng chú ý nhất là Ba Lan từ 52% xuống 43%, Pháp 35% xuống 28%, Italy 26% xuống 14%.

Niềm tin của công chúng rằng Ukraine nên tiếp tục chiến đấu đến cùng để giành lại tất cả lãnh thổ đang suy yếu, theo Susi Dennison và Pawel Zerka, hai nhà nghiên cứu cấp cao tại ECFR.

Quan điểm cho rằng Nga là trở ngại chính cho hòa bình cũng đã giảm ở mọi quốc gia châu Âu kể từ cuộc khảo sát đầu tiên hồi tháng 4/2022, từ 60% xuống 52%. Dư luận một số quốc gia như Romania thậm chí hiện xem phương Tây là vấn đề lớn hơn Nga.

Giới quan sát cho rằng người châu Âu đang bắt đầu đặt câu hỏi liệu Nga có phải là trở ngại duy nhất cho nỗ lực lập lại hòa bình ở Ukraine hay không.

Tại các nước châu Âu gần vùng chiến sự, sự ủng hộ dành cho Ukraine vẫn tương đối mạnh mẽ. Song ngay cả ở những nước Đông Âu này, nhiều dấu hiệu cho thấy người dân ngày càng mệt mỏi với chiến tranh và hậu quả của nó.

Ba Lan từng là một trong những đồng minh nhiệt thành nhất của Ukraine trong năm đầu xung đột. Hiện tại, tỷ lệ ủng hộ tiếp nhận người tị nạn Ukraine đã giảm dần từ 83% vào tháng 3/2022 xuống 65% vào tháng 9, theo Eupinions, nền tảng khảo sát dư luận độc lập.

Trước cuộc bầu cử quốc hội Ba Lan hồi tháng 10, đảng cực hữu Konfederacja đã cảnh báo chống lại nguy cơ "Ukraine hóa" của Ba Lan và nhận được hơn 7% phiếu bầu. Tuy nhiên, tân Thủ tướng Donald Tusk, người có quan điểm thân EU, đã giành chiến thắng và tuyên bố sẽ duy trì nỗ lực ủng hộ Ukraine.

Tại Slovakia, đảng của cựu thủ tướng Robert Fico chiến thắng cuộc bầu cử quốc hội tháng 9, cho phép ông Fico trở lại nắm quyền. Chỉ một ngày sau khi nhậm chức, ông tuyên bố dừng viện trợ quân sự cho Ukraine, thực hiện một trong những lời hứa chính đưa ra trong chiến dịch tranh cử.

Slovakia hồi tháng 8 là một trong số ít nước EU, cùng với Bulgaria, Cyprus, Cộng hòa Czech và Hy Lạp, có hơn 40% dân số không đồng ý liên minh nên tiếp tục thể hiện tình đoàn kết với Ukraine, theo cơ quan khảo sát dư luận châu Âu Eurobarometer.

Tại Đức, đảng cực hữu AfD vốn phản đối ủng hộ Ukraine hiện đứng thứ hai với 22% ủng hộ của cử tri. Đây là mức cao nhất trong lịch sử đảng, tăng từ 10% hồi đầu năm 2022. Giới quan sát cho rằng một số yếu tố thúc đẩy ủng hộ của đảng AfD có thể liên quan tới tăng giá năng lượng tăng và người nhập cư. Dù Đức không giáp Ukraine, quốc gia này đã tiếp nhận hơn một triệu người tị nạn đến từ quốc gia Đông Âu.

Càng xa khu vực xung đột, mức độ quan tâm tới vấn đề Ukraine của người dân châu Âu càng giảm. Ở Pháp, dư luận hiện quan tâm nhiều hơn tới xung đột ở Dải Gaza, do cộng đồng Hồi giáo lớn của đất nước ủng hộ người Palestine. Người dân Pháp đã tìm kiếm từ "Israel" nhiều hơn "Ukraine" trên Google trong hai tháng qua, theo dữ liệu của Google Trends.

Tại Hà Lan, đảng Tự do cực hữu do Geert Wilders lãnh đạo bất ngờ chiến thắng cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 11. Điều này khiến cam kết viện trợ tiêm kích F-16 cho Ukraine trở nên không chắc chắn, do ông Wilders từ lâu phản đối hỗ trợ quân sự cho Kiev.

Sau gần hai năm, xung đột ở Ukraine không còn được xem là tình huống khẩn cấp, đặc biệt là ở những nước không gần cuộc chiến, theo Dennison và Zerka.

"Khi xung đột nổ ra, nhiều người châu Âu lo sợ đất nước của họ có thể trở thành mục tiêu tiếp theo, xung đột leo thang hoặc nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhưng giờ không có bất kỳ lo ngại nào trở thành hiện thực và nhiều người châu Âu hiện coi đó là một trong những cuộc chiến khác ở ngoài lãnh thổ", hai nhà phân tích cho hay.

Dữ liệu khảo sát cũng chỉ ra có rất ít người châu Âu tin rằng Ukraine có thể chiến thắng Nga. Hồi tháng 9, chỉ có vài quốc gia như Đan Mạch, Estonia, Ba Lan và Bồ Đào Nha cho rằng Kiev có cơ hội chiến thắng trong 5 năm tới.

Để duy trì sự ủng hộ của công chúng, một số lãnh đạo châu Âu tìm cách thuyết phục người dân rằng giúp Ukraine chính là giúp mình. Trong chuyến Kiev thăm hồi tháng 11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói với quốc hội Ukraine rằng "các bạn đang chiến đấu không chỉ vì tự do, dân chủ và tương lai của chính mình mà còn cho cả chúng tôi. Các bạn đang chiến đấu vì châu Âu".

Song phần lớn công chúng châu Âu không cảm thấy đất nước của họ có liên quan tới cuộc chiến này, cũng như nghĩ rằng họ có chiến tranh với Nga. Chỉ 11% người Romania và Thụy Sĩ, cùng 31% người Estonia tin như vậy.

"Do đó, người châu Âu dường như đang cảm thấy ít bị đe dọa hơn trong cuộc chiến này so với hồi đầu năm 2022", Dennison và Zerka nhận định. "Khi làn sóng mệt mỏi vì chiến sự lan rộng, các nước châu Âu có thể bắt đầu cảm thấy xung đột Ukraine không còn cấp bách và việc ủng hộ Kiev không mang lại lợi ích chính trị trong nước".

Thanh Tâm (Theo ECFR, Reuters, Foreign Affairs)

Có thể bạn quan tâm
Nhà Trắng cáo buộc Chủ tịch Hạ viện Mỹ trợ giúp Iran

Nhà Trắng cáo buộc Chủ tịch Hạ viện Mỹ trợ giúp Iran

07:40 24/02/2024

Nhà Trắng cho rằng Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đang làm lợi cho Iran và Nga khi không đồng ý bỏ phiếu về dự luật viện trợ Ukraine.

Venezuela giành lại nhà tù thứ năm từ tay băng đảng

Venezuela giành lại nhà tù thứ năm từ tay băng đảng

16:00 07/11/2023

Chính quyền Venezuela thông báo tái kiểm soát nhà tù thứ năm từ tay băng đảng, trong chiến dịch triệt phá các tổ chức tội phạm trong trại giam.

Tương lai chiến sự Israel - Hamas khi lệnh ngừng bắn sụp đổ

Tương lai chiến sự Israel - Hamas khi lệnh ngừng bắn sụp đổ

07:00 03/12/2023

Cuộc chiến Israel - Hamas sau lệnh ngừng bắn sẽ tập trung tại khu vực miền nam Dải Gaza, với hậu quả có thể thảm khốc hơn hiện tại.

Đảo chính ở Gabon: Chính quyền quân sự lập lãnh đạo mới, Mỹ hối thúc một việc

Đảo chính ở Gabon: Chính quyền quân sự lập lãnh đạo mới, Mỹ hối thúc một việc

16:50 31/08/2023

Một số quốc gia như Đức, Anh, Morocco và Hàn Quốc cũng sớm có động thái liên quan đến vụ đảo chính vừa qua ở Gabon.

Ukraine tuyên bố đánh chìm chiến hạm 65 triệu USD của Nga

Ukraine tuyên bố đánh chìm chiến hạm 65 triệu USD của Nga

19:10 05/03/2024

Tình báo Ukraine thông báo phối hợp với hải quân nước này đánh chìm chiến hạm Sergey Kotov trị giá 65 triệu USD của Nga.

Sống trong ôtô để dành tiền thăm bạn gái cách 500 km

Sống trong ôtô để dành tiền thăm bạn gái cách 500 km

19:10 17/05/2024

Người đàn ông 35 tuổi làm việc ở Bắc Kinh biến ôtô thành nhà, để dành tiền cuối tuần đi xa hơn 500 km thăm bạn gái.

Tổng thống Venezuela lệnh đóng cửa các cơ quan đại diện ngoại giao tại Ecuador, yêu cầu nhân viên lập tức về nước

Tổng thống Venezuela lệnh đóng cửa các cơ quan đại diện ngoại giao tại Ecuador, yêu cầu nhân viên lập tức về nước

08:00 17/04/2024

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro khẳng định, các nhân viên ngoại giao nước này sẽ không trở lại Ecuador cho đến khi luật pháp quốc tế “được khôi phục hoàn toàn”.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn gặp gỡ cán bộ, nhân viên Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam ở Geneva

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn gặp gỡ cán bộ, nhân viên Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam ở Geneva

08:20 26/02/2024

Chiều tối 25/2 (giờ địa phương), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có buổi gặp gỡ cán bộ, nhân viên của Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sỹ).

Bolivia và Iran hợp tác quốc phòng, Argentina 'đứng ngồi không yên'

Bolivia và Iran hợp tác quốc phòng, Argentina 'đứng ngồi không yên'

07:30 27/07/2023

Bộ trưởng Quốc phòng Bolivia Edmundo Novillo Aguilar khẳng định, chính sách an ninh và quốc phòng của Bolivia không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào, bao gồm cả Argentina.

Co loi xay ra
Co loi xay ra