Kế hoạch trữ súng lật đổ chính phủ Đức của Hoàng tử tự xưng

05:40 23/05/2024

Heinrich XIII, người tự xưng là Hoàng tử nhà Reuss, bị xét xử với âm mưu tập hợp lực lượng dùng bạo lực lật đổ chính phủ, khôi phục Đế chế Đức.

Từ thế kỷ 12, nhà Reuss, một gia đình quý tộc nhiều ảnh hưởng ở Đức, cai trị bang thành Gera và nhiều phần lãnh thổ xung quanh, ở khu vực hiện nay là bang Thuringia ở miền đông Đức.

Tất cả các thành viên nam trong triều đại nhà Reuss đều được đặt tên là Heinrich, người sinh ra đầu tiên trong mỗi thế kỷ sẽ được gọi là Heinrich I, người thứ hai là Heinrich II và tiếp tục như vậy cho đến thế kỷ tiếp theo. Đây là cách để họ tưởng nhớ Henry VI, hoàng đế La Mã đã ban tước hiệu cho gia tộc.

Nhưng hơn 100 năm trước, triều đại nhà Reuss chấm dứt. Cú sốc vì thất bại trong Thế chiến I đã châm ngòi cuộc cách mạng vào năm 1918, khiến Hoàng đế Wilhelm II cùng tất cả công tước trong liên bang thoái vị, Đức trở thành một nước Cộng hòa.

Vùng đất của nhà Reuss trở thành một phần của bang Thuringia từ năm 1920. Tất cả đặc quyền đặc lợi của hoàng gia cùng tầng lớp quý tộc bị hủy bỏ.

Tuy nhiên, các hậu duệ nhà Reuss vẫn tìm cách duy trì truyền thống đặt tên của dòng họ. Ngày 4/12/1951, một bé trai ra đời gần Frankfurt và được đặt tên là Heinrich XIII. Người này sau đó tự xưng là Hoàng tử Heinrich XIII và ấp ủ tham vọng khôi phục Đế chế Đức, thậm chí bằng một âm mưu đảo chính làm chấn động quốc gia dân chủ hàng đầu châu Âu.

Khi lớn lên, Heinrich XIII kết hôn với một phụ nữ Iran và có hai con. Nhật báo Berliner Zeitung năm 1998 mô tả Heinrich XIII là "doanh nhân đa lĩnh vực", kinh doanh trong ngành bất động sản, nghệ thuật và sản xuất rượu vang. Bài viết cũng lưu ý Heinrich XIII luôn "phẫn nộ" về tranh chấp liên quan đến những vùng đất mà nhà Reuss từng cai quản.

Heinrich XIII nhiều năm qua công khai ủng hộ lý thuyết rằng cuộc sống trên toàn thế giới sẽ tốt hơn dưới chế độ quân chủ. "Nếu mọi thứ không ổn, bạn chỉ cần tìm đến hoàng tử", Heinrich XIII cho biết hồi năm 2019. "Ngày nay bạn biết tìm đến ai? Nghị sĩ cấp khu vực, liên bang hay Liên minh châu Âu? Chúc may mắn!".

Khi được mời phát biểu tại diễn đàn World Web Forum ở Zurich, Thụy Sĩ năm 2019 để thảo luận về vấn đề kinh tế và công nghệ, Heinrich XIII không che giấu tham vọng của mình.

Người tự xưng là hoàng tử này tin rằng do Đức không ký hiệp ước hòa bình vào cuối Thế chiến II, thể chế Cộng hòa Liên bang hiện nay không có cơ sở pháp lý để tồn tại. Ông tuyên bố điều hợp lý cần làm là đưa Đức trở lại như thời kỳ Hoàng đế Wilhelm II, người mà ông cho là "bị phế truất trái với nguyện vọng của nhân dân".

Luận điệu của Heinrich XIII đã vấp phải nhiều tiếng la ó phản đối của khán giả, một số người đứng dậy rời khỏi hội trường.

Ở Đức, Heinrich XIII tìm cách kiện chính phủ để đòi lại những vùng đất và tài sản mà ông cho là "thuộc quyền thừa kế" của mình. Khi nỗ lực kiện tụng thất bại, ông ta chi nhiều tiền để thành lập "đội tự vệ" gồm hàng chục thành viên, trong đó có nhiều cựu binh và cả cảnh sát.

Đây là lúc lực lượng an ninh Đức chú ý đến Heinrich XIII và phát hiện ra âm mưu đảo chính, lật đổ chính phủ bằng bạo lực.

Tháng 12/2022, trong chiến dịch chống khủng bố quy mô lớn, lực lượng an ninh Đức đã đột kích 150 địa điểm liên quan đến phong trào Riechsburger (Công dân của Đế chế), gồm những người theo thuyết âm mưu phủ nhận tính hợp pháp của chính quyền cộng hòa liên bang Đức sau Thế chiến II.

Giới chức phát hiện hơn nửa triệu USD vàng và tiền mặt, 380 khẩu súng, 350 dao kiếm các loại, 148.000 viên đạn, mũ bảo hộ, áo chống đạn, kính nhìn đêm và danh sách "mục tiêu". Phần lớn vũ khí được tìm thấy trong tầng hầm nhà nghỉ dưỡng của Heinrich VIII, 72 tuổi, ở Thuringia.

Cảnh sát bắt Heinrich VIII với cáo buộc có vai trò then chốt trong âm mưu đảo chính, lật đổ chính phủ. Họ cho hay Heinrich XIII thường xuyên tổ chức và chủ trì các cuộc gặp bí mật của "Hội đồng", gồm những thành viên sẽ giữ vai trò lãnh đạo trong chính phủ mới, tại nhà nghỉ dưỡng ở Thuringia.

"Hội đồng" lên kế hoạch chiếm quyền lực ở Đức và thiết lập cấu trúc nhà nước riêng. Công tố viên cho biết các nghi phạm dự định tấn công vào tòa nhà quốc hội ở Berlin, bắt nghị sĩ làm con tin và thiết lập trật tự mới, có thể giết người nếu cần thiết.

Kế hoạch còn gồm thiết lập 286 đơn vị bán quân sự và chiếm công ty quốc phòng chuyên cung cấp vũ khí hạng nhẹ Heckler & Koch để tạo nên "nhánh vũ trang" của "chính phủ mới", trong đó Heinrich VIII giữ vai trò nguyên thủ quốc gia nếu đảo chính thành công.

Giới chức Đức cho biết Heinrich VIII cùng 26 đồng phạm giữ vai trò cầm đầu phong trào Reichsbuerger, với khoảng 21.000 thành viên trên toàn nước Đức.

Reichsbuerger bắt đầu xuất hiện từ thập niên 1980, gồm các tổ chức và cá nhân thể hiện sự phản kháng với bộ máy hành chính Đức. Một số không nộp phí, thuế, bất tuân lệnh từ tòa án, tự tuyên bố "lãnh thổ quốc gia" của riêng mình, in hộ chiếu, bằng lái xe riêng, thậm chí tự nhận mình thuộc chế độ quân chủ.

Phần lớn thành viên của Reichsbuerger tin rằng Đế chế Đức vẫn tồn tại, Cộng hòa Liên bang Đức hiện nay không phải một nhà nước mà thực tế là "công ty tư nhân" và Đức vẫn đang bị lực lượng Đồng minh chiếm đóng.

Tình báo Đức bắt đầu chú ý đến Reichsbuerger từ năm 2016, khi một tín đồ của phong trào sát hại một sĩ quan cảnh sát để tránh bị tịch thu súng.

"Suốt thời gian dài, giới chức không mấy để tâm đến Reichsbuerger", Kai Arzheimer, nhà khoa học chính trị Đại học Mainz, Đức nói. "Nhưng dần dần, họ nhận ra những kẻ lập dị này khá nguy hiểm".

Reichsbuerger phát triển và kết nạp thêm những kẻ cực đoan cánh hữu, như tín đồ tổ chức QAnon, thành viên phong trào hoài nghi Covid-19 Querdenker. Tình báo Đức năm 2022 ước tính Reichsbürger có 23.000 thành viên trên khắp đất nước, khoảng 2.300 người "sẵn sàng sử dụng bạo lực".

Jan Rathje, nhà nghiên cứu cấp cao tại cơ quan chuyên theo dõi chủ nghĩa cực đoan CeMAS, nói các phong trào như Reichsbuerger thường bắt nguồn từ mong muốn của những cựu thành viên Đức Quốc xã, nhằm tái lập Đế chế Đức.

Heinrich XIII cũng được cho là từng cố bắt liên lạc với các quan chức Nga để tìm kiếm sự ủng hộ cho kế hoạch lật đổ chính phủ Đức, song không có bằng chứng cho thấy quan chức Nga phản hồi các yêu cầu từ nhóm cực đoan.

Tòa án thành phố Frankfurt ngày 21/5 xét xử Heinrich XIII cùng 8 nghi phạm khác với cáo buộc khủng bố, phản quốc, âm mưu lật đổ chính phủ Đức. Các bị cáo đều bác bỏ cáo buộc trong khi luật sư bào chữa Roman von Alvensleben cho rằng "họ không phải những kẻ khủng bố, chỉ hơi điên rồ một chút".

Các thành viên khác của gia tộc Reuss từ lâu đã không liên hệ với Heinrich XIII. Tháng 8/2022, người đứng đầu nhà Reuss hiện nay là Heinrich XIV sống ở Áo, nói Heinrich XIII là một "ông già lẩm cẩm", "bị mắc kẹt trong những thuyết âm mưu mang quan niệm sai lầm".

Tuy nhiên, chuyên gia Rathje cho rằng giới chức Đức đã "xem thường một cách nguy hiểm" mối đe dọa từ Reichsbuerger và âm mưu đảo chính của những người như Heinrich XIII. Dù kế hoạch lật đổ chính quyền như vậy khó thành công, nó vẫn có thể gây ra bạo lực và ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân.

"Mọi người luôn nghĩ chỉ có những kẻ điên mới viết những lời điên rồ gửi đến chính phủ", ông trả lời BBC. "Về mặt biểu tượng, những kẻ cực đoan có thể coi là thành công khi chúng tấn công bạo lực được vào chính phủ và thúc đẩy quan điểm cho rằng chính phủ đang phản ứng yếu kém".

Do tính chất của sự việc, quá trình xét xử âm mưu đảo chính của Reichsbuerger diễn ra tại ba khu vực gồm Stuttgart, Frankfurt và Munich, với tổng cộng 26 bị cáo. Các công tố viên Đức ban đầu truy tố 27 người nhưng bị cáo Norbert G., 73 tuổi, đã qua đời trước khi bị xét xử.

Đợt xử đầu tiên gồm 9 bị cáo liên quan "cánh quân sự" của Reichsbuerger đã bắt đầu tại Stuttgart từ tháng 4. Tòa án ở Munich dự kiến xử những bị cáo còn lại từ ngày 17/6. Quá trình xét xử, với khoảng 260 nhân chứng liên quan, dự kiến kéo dài đến đầu năm 2025.

Như Tâm (Theo Washington Post, Firstpost)

Có thể bạn quan tâm
Ấn Độ: Sập nhà do rò rỉ khí amoniac làm ít nhất 7 người thiệt mạng

Ấn Độ: Sập nhà do rò rỉ khí amoniac làm ít nhất 7 người thiệt mạng

07:00 25/02/2023

Cảnh sát bang Uttar Pradesh cho biết vụ nổ xảy ra bên trong kho lạnh do rò rỉ khí amoniac, khiến tòa nhà bị sập làm ít nhất 7 người đã thiệt mạng và 9 người bị thương

Tăng cường thúc đẩy hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và Jakarta, Kuala Lumpur trong lĩnh vực quản lý đô thị

Tăng cường thúc đẩy hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và Jakarta, Kuala Lumpur trong lĩnh vực quản lý đô thị

23:10 11/09/2023

Ngày 3-10/9, đoàn đại biểu TP. Hồ Chí Minh do ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Jakarta, Indonesia và Kuala Lumpur, Malaysia.

Đại sứ quán Nga tại Washington bị đe dọa, Moscow trừng phạt thêm 200 công dân Mỹ

Đại sứ quán Nga tại Washington bị đe dọa, Moscow trừng phạt thêm 200 công dân Mỹ

18:50 15/03/2024

Ngày 14/3, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov thông báo, phái bộ ngoại giao của ông bị đe dọa liên quan cuộc bầu cử tổng thống Nga, diễn ra từ 15-17/3 (giờ địa phương).

Loạt quốc gia cảnh báo Israel về kế hoạch tấn công Rafah

Loạt quốc gia cảnh báo Israel về kế hoạch tấn công Rafah

08:20 09/04/2024

Mỹ, Pháp, Ai Cập và Jordan cảnh báo Israel về hậu quả thảm khốc cho dân thường nếu nước này tấn công thành phố Rafah, miền nam Gaza.

Tổng thư ký được NATO đặt trọn niềm tin

Tổng thư ký được NATO đặt trọn niềm tin

16:10 08/07/2023

Cách dẫn dắt NATO vượt qua những thời kỳ sóng gió và xung đột Ukraine khiến Tổng thư ký Stoltenberg trở thành lãnh đạo không thể thiếu với liên minh.

Trước thách thức từ Trung Quốc, Nhật Bản-Malaysia 'bắt chặt tay' thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh hàng hải

Trước thách thức từ Trung Quốc, Nhật Bản-Malaysia 'bắt chặt tay' thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh hàng hải

16:10 05/11/2023

Ngày 5/11, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và người đồng cấp Malaysia Anwar Ibrahim đã nhất trí thúc đẩy hợp tác quốc phòng và an ninh hàng hải song phương, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có hành động quân sự quyết liệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ukraine báo động không kích 2/3 đất nước

Ukraine báo động không kích 2/3 đất nước

11:30 09/05/2023

Còi báo động không kích đã vang lên ở thủ đô Kiev và trên khắp 2/3 lãnh thổ Ukraine hôm nay 9-5.

Lãnh đạo Nga và Triều Tiên trao đổi thư từ nhân dịp kỷ niệm 75 năm quan hệ song phương

Lãnh đạo Nga và Triều Tiên trao đổi thư từ nhân dịp kỷ niệm 75 năm quan hệ song phương

11:50 14/10/2023

Ngày 12/10, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã trao đổi thư từ với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhân dịp kỷ niệm 75 năm quan hệ song phương (1948-2023).

Tòa Trung Quốc phạt sếp xúc phạm nhân viên Gen Z

Tòa Trung Quốc phạt sếp xúc phạm nhân viên Gen Z

10:30 13/11/2023

Tòa án buộc quản lý một công ty ở Giang Tây bồi thường cho nhân viên Gen Z vì xúc phạm sau khi phát hiện anh này chơi game trong giờ làm.

Co loi xay ra
Co loi xay ra