Bậc thượng sư vùng Himalaya cho rằng năm mới an lành không cần chuẩn bị nhiều nhưng nên giữ tâm tử tế để thực hành thiện hạnh mỗi ngày, phúc lành sẽ tự đến.
Phật giáo Kim cương thừa quan niệm 15 ngày đầu năm thuộc tuần trăng sáng - thời điểm linh thiêng khởi đầu chu kỳ mới của vũ trụ, cũng là lúc con người cần chuyển hóa bản thân, hướng thiện để tự đem lại năng lượng tốt lành. VnExpress phỏng vấn Đức Gyalwang Drukpa đời thứ 12 - lãnh đạo tinh thần Truyền thừa Drukpa nhân chuyến truyền bá và giảng dạy giáo lý Phật giáo của ông tại Việt Nam đầu năm Ất Tỵ.
- Khởi đầu năm mới, tâm thế của mỗi phật tử nói riêng và đại chúng nói chung nên như thế nào, thưa ông?
- Để bắt đầu năm mới an lành, chúng ta không cần chuẩn bị gì quá nhiều. Điều quan trọng là luôn giữ sự tử tế trong tâm, nhìn lại mình để hiểu rõ hạnh phúc là gì. Chúng sinh, từ con người đến động vật kể cả các loại côn trùng nhỏ bé đều mưu cầu hạnh phúc và không muốn khổ đau. Điều này thật đơn giản.
Thái độ sống tử tế với tâm từ bi trên nền tảng hiểu biết rằng "mọi loài đều mong cầu hạnh phúc" là tâm thế mà phật tử nói riêng, đại chúng nói chung nên duy trì liên tục từ năm này sang năm khác. Đó là sự chuẩn bị tốt đẹp không chỉ cho mùa xuân này, năm mới này mà còn cho những năm về sau.
- Làm điều tử tế có đồng nghĩa an lành sẽ tự đến?
- Tử tế là cội nguồn của mọi hạnh phúc. Nhưng ngoài lòng tốt và sự tử tế thì con người phải biết tự truyền cảm hứng, khơi nguồn hạnh phúc và năng lượng sẵn có. Nhưng bản thân bạn phải hạnh phúc trước đã. Chỉ khi đạt được điều đó thì mới có thể mang lại hạnh phúc cho người khác.
Mỗi người có thể tự làm mình hạnh phúc bằng những việc bình thường, nhỏ nhoi hàng ngày, như giúp đỡ ai đó hoặc đôi khi là chăm sóc chú chó. Những điều nhỏ bé nhưng luôn mang lại năng lượng tốt lành và bạn có thể san sẻ niềm vui này với người xung quanh. Sống không có cảm hứng thì thật buồn chán, giống như ngôi nhà không có ánh sáng thì chủ nhân của nó ắt hẳn tuyệt vọng.
Nói về tầm quan trọng của sự tử tế trong đời sống, ngày nay tôi thấy nhiều người, dù có địa vị hay không vẫn bị chi phối bởi lòng ích kỷ. Thế giới xảy ra những biến động đáng buồn cũng bởi con người, đặc biệt người ở vị trí cao nhưng chưa biết nuôi dưỡng tình yêu thương, nói không đi đôi với làm. Như tôi đã nói, chúng sinh đều không muốn khổ đau, vậy lẽ gì mà dùng quyền lực của mình làm tổn thương người khác? Khi đã giữ tâm tử tế và thực hành thiện hạnh, con người có thể giảm thiểu lạm dụng sức mạnh gây tổn hại cho người khác.
Năm mới, tôi muốn thỉnh cầu đại chúng suy ngẫm và thực hành sự tử tế, tình yêu thương. Chúng ta thay vì chỉ nói chuyện xã giao để làm hài lòng nhau có thể nói và làm những điều tử tế, không chỉ cho mình mà còn vì người xung quanh, cộng đồng và cả thế hệ tương lai, để con cháu được sống trong thế giới an lạc, không phải chịu gươm đao, súng đạn. Điều tử tế dù nhỏ bé nên được vun đắp từ gia đình - nơi mà cha mẹ noi gương cho con cái, đồng thời nuôi dưỡng trong trường học thông qua giáo dục.
- Ông giữ tâm thế ra sao vào những ngày đầu năm mới?
- Với tôi, mỗi phút, mỗi giây trong cuộc sống đều là những khoảnh khắc đặc biệt cần tri ân và tận hưởng. Mỗi ngày trôi qua đều là ngày lành, là Tết chứ không phải đợi đến ngày đầu năm mới để đón chào. Đây là điều tôi luôn tâm niệm và thực hành.
- Nhiều người cho rằng đầu năm đi chùa dâng lễ vật, thỉnh cầu là cách hướng lòng thành với thần Phật mong nhận được phước lành. Ông quan niệm thế nào về điều này?
- Tôi không thể đại diện cho cảm xúc của người khác khi nói đến vấn đề này. Nhưng nếu bạn bước chân vào cổng chùa mà khi ra về cảm thấy an lạc, hạnh phúc thì tại sao lại không? Nếu đến chùa cầu nguyện mà trong lòng thấy nhẹ nhõm, được truyền cảm hứng thì nên làm. Và ngược lại, nếu làm điều gì đó mà không đem lại thanh thản hay hạnh phúc thì nên cân nhắc. Tôi nghĩ điều này không chỉ có trong Phật giáo mà rất nhiều truyền thống văn hóa khác cũng vậy.
Ở vùng Himalaya, mỗi người tùy vào điều kiện có thể dành 15-30 ngày đầu năm tham gia các lễ hội mừng năm mới. Thường thì 15 ngày đầu năm có rất nhiều hoạt động nhiều màu sắc. Người dân tham gia các trò chơi, nhảy múa, thưởng thức món ăn truyền thống, dự lễ hội ánh sáng... Đây là khoảng thời gian mà ai nấy đều tận hưởng, cảm thấy hạnh phúc và được truyền năng lượng. Trong số tham gia có những người rất sùng đạo và có nhiều người không, nhưng điều đó không quan trọng. Tôi nghĩ đó là truyền thống văn hóa rất hay.
- Con người cúng bái thần Phật nhưng vì sao trong thực tế vẫn làm ngược với điều Phật dạy, gây tổn thương người khác hay hủy hoại môi trường sống?
- Đây là câu hỏi rất thú vị. Tôi nghĩ người ta vẫn làm những điều đầy mâu thuẫn vì chưa biết cách chuyển hóa tâm và tự tạo cảm hứng cho mình. Những ngày đầu năm, người ta thường cố gắng không nói ra những điều không tốt lành hoặc kìm nén cơn giận dữ để tránh xui rủi. Nhưng trong thực tế hàng ngày, họ vẫn sống với các xúc tình, để tâm tham sân si, đố kỵ chi phối lời nói và hành động của mình.
Nhiều người không nhận ra rằng không riêng gì đầu xuân mới là ngày tốt lành mà tất cả mọi ngày trong năm đều như thế. Cuộc sống vì thế cần trân trọng từng giây phút. Nếu chỉ cố gắng nói suông những điều tốt lành mà không khắc ghi trong tâm trí, đưa vào thực hành từng giây phút thì rất khó có hạnh phúc lâu bền.
- Ông nghĩ thế nào khi nhiều người quan niệm "Phật tại tâm" và không coi trọng thực hành?
- Ai cũng nghĩ như vậy nhưng để thực hành được lại không hề đơn giản. Tôi cũng mong đại chúng có thể đạt được điều đó. Trong đạo Phật, những thực hành hàng ngày như dâng hương hoa, cúng dàng đèn, âm nhạc lên chư Phật, Bồ Tát với tâm chí, thiền định có thể giúp tâm mình thanh thản, cảm hứng hơn. Đó là phương tiện giúp ta đến gần hơn với tâm Phật của mình. Tựu chung cần rất nhiều điều kiện, nhân duyên và thực hành trải nghiệm để có thể hiểu thế nào là "Phật tại tâm".
- Năm Ất Tỵ 2025, ông có những dự định gì cho cá nhân và cộng đồng?
- Năm ngoái sức khỏe của tôi chưa được tốt nên một số hoạt động hoằng pháp (truyền bá và giảng dạy giáo lý Phật giáo) bị gián đoạn. Năm nay thấy mình khá hơn, tôi muốn đi xe đạp nhiều hơn, mở rộng phong trào trồng cây ở nhiều nơi từ châu Mỹ, Âu đến Đông Á. Chúng ta không thể biết được ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì. Tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động liên quan đến môi trường.
Và trong số những dự định không chỉ năm mới này, tôi mong muốn trở lại Việt Nam nhiều hơn vì thực sự yêu mến nơi này. Người Việt tử tế, mạnh mẽ và đoàn kết, điều đó thể hiện qua truyền thống lịch sử. Ở Việt Nam, tôi luôn thấy mình nhiều năng lượng và đầy cảm hứng.
Hồng Chiêu
Ngày 9/5, trong khuôn khổ tham dự Lễ kỷ niệm 80 năm Chiến thắng trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại tại Liên bang Nga, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc gặp với Thủ tướng Slovakia Robert Fico.
Khói lửa bùng lên tiệm điện lạnh ở phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, người đàn ông 33 tuổi mắc kẹt, tử vong.
Mundo Obrero ca ngợi sau 50 năm thống nhất đất nước và 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cho thấy tầm nhìn của một quốc gia đã biến những vết sẹo chiến tranh thành nền tảng của sự tiến bộ.
Đồng Nai - 6 cây cầu nối tỉnh Đồng Nai với tỉnh Bình Dương được thống nhất phương án đầu tư, dự kiến khởi công trong năm 2025 và 2026.
Tỉnh Nghệ An chỉ đạo chấn chỉnh và xử lý ngay khi phát hiện cơ quan, đơn vị hoặc cán bộ, công chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai khi xử lý công việc trong quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Quảng Bình - Chương trình tôn vinh 40 điển hình công nhân , cán bộ công đoàn tiêu biểu của LĐLĐ tỉnh đã khơi dậy khát vọng tiên phong trong...
Ngày 27/4, thông tin từ Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An, công an đã tạm giữ hình sự tài xế gây ra vụ tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ N2, đoạn qua huyện Tân Thạnh để điều tra làm rõ hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015. “Đây là vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiệm trọng làm nhiều người chết. Theo đó, Cơ quan điều tra đang tích cực...
Ủy viên ban thường vụ hoặc Thành ủy viên có thể được Thành ủy TP HCM phân công làm bí thư phường, xã đông dân, là động lực phát triển kinh tế.
VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 5 bị can là cựu cán bộ công an, kiểm sát viên tại huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) về tội Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội. Hồ sơ vụ án đã được chuyển đến TAND tỉnh Tây Ninh để đưa ra xét xử theo quy định. Các bị can gồm: Nguyễn Thanh Sơn (cựu Trưởng Công an huyện Tân Biên), Nguyễn Minh Phụng và Trịnh Ngọc Anh (hai cựu Phó trưởng Công an huyện), Vũ Đức Tân (cựu điều tra viên) và Hứa Thị...