Cuộc chiến pháp lý giúp Đài Loan thu hồi nhật ký Tưởng Giới Thạch

07:00 08/11/2023

Nhật ký của Tưởng Giới Thạch được cháu dâu trao cho viện nghiên cứu Mỹ, châm ngòi cuộc chiến pháp lý gần 10 năm để đưa chúng về Đài Loan.

Academia Historica, cơ quan lưu trữ hồ sơ các lãnh đạo Đài Loan, tuần trước xuất bản 7 tập nhật ký đầu tiên của Tưởng Giới Thạch trong giai đoạn nắm quyền năm 1948-1954, nhằm giúp người dân Đài Loan hiểu rõ hơn về suy nghĩ và hành động của cố lãnh đạo Quốc dân đảng.

Academia Historica trước đó giành chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý kéo dài một thập kỷ để thu hồi những tài liệu viết tay của ông Tưởng và con trai Tưởng Kinh Quốc từ Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, Mỹ, nơi đã lưu giữ chúng gần 20 năm qua.

Các tài liệu này chứa những bản thảo của ông Tưởng Giới Thạch từ năm 1917 tới 1972 và của con trai ông từ năm 1937 tới 1978, cùng nhiều thư từ, tài liệu, điện tín ngoại giao. Sau khi Tưởng Giới Thạch qua đời năm 1975, Tưởng Kinh Quốc kế nhiệm và đảm nhận chức vụ lãnh đạo Đài Loan từ năm 1978 tới khi qua đời năm 1988.

Những tài liệu này được con trai Tưởng Kinh Quốc là Tưởng Hiếu Dũng kế thừa. Năm 2004, vợ Tưởng Hiếu Dũng là Tưởng Phương Trí Di đã đem tài liệu tới Canada, trước khi ký thỏa thuận cho Viện Hoover mượn vào năm 2005 để quản lý và nghiên cứu trong 50 năm mà không nhận được sự đồng thuận của các thành viên còn lại nhà họ Tưởng.

Trong quá trình được lưu trữ tại Viện Hoover, những tài liệu này nằm trong số những món "được các nhà nghiên cứu yêu cầu mượn nhiều nhất" do chúng chứa những thông tin quý giá về chính sách đối ngoại và chính trị của hai lãnh đạo Đài Loan trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, một số thành viên nhà họ Tưởng, trong đó có Tưởng Hữu Mai, cháu gái Tưởng Kinh Quốc, lập luận rằng những cuốn nhật ký nên được xem là tài sản riêng tư thay vì công bố cho công chúng.

Sau khi nhận về những tuyên bố trái ngược nhau về quyền sở hữu nhật ký từ các thành viên trong gia đình họ Tưởng, Đại học Stanford đã đệ đơn kiện lên tòa án California hồi tháng 9/2013 để xác định người có quyền hợp pháp với các tài liệu.

"Đó là nguồn cơn cuộc chiến pháp lý giữa Đại học Stanford và gia đình họ Tưởng về quyền sở hữu nhật ký", Huang Hsiu-fei, giám đốc ban thư ký Academia Historica, nói.

Huang thêm rằng Academia Historica cũng là mục tiêu của tòa án Mỹ sau khi Tưởng Phương Trí Di ký thỏa thuận năm 2013 để chuyển quyền sở hữu của bà cho cơ quan lưu trữ Đài Loan. Vì xử lý vụ kiện bên ngoài Đài Loan phức tạp và tốn kém, cơ quan này sau đó tìm cách giải quyết nó tại hòn đảo, theo Huang.

"Chúng tôi đã đệ trình vụ kiện riêng ở Mỹ năm 2015, yêu cầu xử lý tranh chấp về quyền sở hữu ở Đài Loan, vì nhật ký và các tài liệu này ra đời khi các cố lãnh đạo đang tại vị", ông Huang nói.

Tháng 4/2015, tòa án Mỹ phán quyết Đài Loan trước tiên nên điều tra ai có quyền sở hữu số tài liệu trên. Các cuộc điều tra pháp lý được bắt đầu 7 tháng sau đó.

Truyền thông địa phương nói rằng Academia Historica ban đầu đệ đơn kiện chống lại 16 thành viên nhà họ Tưởng, nhưng đã đạt thỏa hiệp với 9 người sau khi họ đồng ý chuyển quyền sở hữu nhật ký cho cơ quan lưu trữ Đài Loan.

Sau nhiều năm xét xử, tòa án sơ thẩm hồi tháng 6/2020 quyết định những cuốn nhật ký có từ thời gia đình Tưởng tại vị là tài sản của chính quyền, trong khi những thứ còn lại thuộc về gia đình họ.

Tòa án tối cao Đài Loan năm 2022 ủng hộ phán quyết, bất chấp kháng cáo của một thành viên trong gia đình Tưởng Giới Thạch. Tháng 7 năm nay, Mỹ cũng công nhận phán quyết của Tòa án tối cao Đài Loan.

"Mối quan tâm lớn nhất đối với chúng tôi trong những năm diễn ra cuộc chiến pháp lý là việc số tài liệu đó bị xé lẻ, vì tòa án ở Đài Loan và Mỹ đều phán quyết rằng các cuốn nhật ký do cha con ông Tưởng viết khi tại vị thuộc về chính quyền, còn tài liệu cá nhân khác thuộc về gia đình", Huang nói. "May mắn là các thành viên gia đình cuối cùng cũng đồng ý chuyển quyền sở hữu của họ cho Academia Historica".

Tưởng Hữu Mai là người cuối cùng trong gia đình chấp nhận thỏa hiệp và ký thỏa thuận chuyển giao quyền sở hữu nhật ký cho Academia Historica hồi tháng 5.

Nhật ký của Tưởng Giới Thạch được xem là tài liệu lịch sử giá trị, cung cấp hiểu biết về giai đoạn quan trọng trong lịch sử Trung Quốc hiện đại và những sự kiện toàn cầu quan trọng của thế kỷ trước. Chúng bao gồm sự trỗi dậy của ông Tưởng ở Quốc dân đảng, chiến tranh Trung - Nhật năm 1937-145, nội chiến dẫn tới thất bại của ông Tưởng năm 1949, khiến ông chạy sang Đài Loan.

Các cuốn nhật ký cũng nói về cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhất năm 1954-1955 và lần thứ hai năm 1958, liên minh quân sự Mỹ - Đài Loan trong những năm 1950-1970.

"Các học giả đã có thêm những hiểu biết về Trung Quốc hiện đại, Chiến tranh Lạnh và lịch sử toàn cầu", Viện Hoover nói sau khi trả lại 59 thùng tài liệu cho Đài Loan vào tháng 9.

Trong phần nhật ký đề ngày 1/1/1948, ông Tưởng đã ghi lại thái độ yêu ghét đối với Mỹ. Xem một bộ phim Mỹ sau bữa tối, ông ngưỡng mộ "sự tiến bộ" trong sản xuất phim của Mỹ, nhưng vài giờ sau nổi giận khi biết rằng Washington chỉ cung cấp cho quân đội của ông 20 triệu viên đạn, thấp hơn nhiều lần so với những gì đã hứa.

"Tôi cần rất nhiều đạn, nhưng họ chỉ cho tôi một ít. Thật là quá đáng khi họ cố cản bước tôi", ông Tưởng viết, thêm rằng ông không thể không ngưỡng mộ Anh vì có khả năng kiềm chế Mỹ dù cảm thấy khó làm việc với họ.

Trong một đoạn nhật ký khác đề ngày 4/12/1948, ông Tưởng chỉ trích các chỉ huy lực lượng của ông "yếu đuối, thiếu khát vọng và chủ động", khiến ông cảm thấy "xấu hổ".

Vài tuần sau, Quốc dân đảng hứng chịu một trong những thất bại nghiêm trọng trong chiến dịch Hoài Hải, khiến quân đoàn 12 sụp đổ, tư lệnh quân đoàn cùng hàng nghìn binh sĩ bị bắt làm tù binh.

Academia Historica dự kiến xuất bản nhật ký của ông Tưởng Kinh Quốc trong năm nay và phần còn lại của nhật ký Tưởng Giới Thạch vào năm sau.

Chen Yi-shen, chủ tịch Academia Historica, nói ấn phẩm nhằm "mục đích hòa giải và tiến bộ xã hội", đề cập đến những vết thương lịch sử, như vụ thảm sát lực lượng nổi dậy ở Đài Loan năm 1947, hay những vụ bắt bớ, hành quyết hàng trăm nhà bất đồng chính kiến trong thời kỳ đỉnh điểm "Khủng bố trắng" giai đoạn 1950-1960 ở hòn đảo.

Thanh Tâm (Theo SCMP)

Có thể bạn quan tâm
Ukraine tự phát triển bom lượn

Ukraine tự phát triển bom lượn

16:20 12/06/2024

Ukraine đang tự phát triển bom lượn để thay thế vũ khí của Mỹ, vốn bị tác chiến điện tử Nga làm giảm hiệu quả hoặc vô hiệu hóa.

Việt Nam lên án vụ đánh bom ở Iran

Việt Nam lên án vụ đánh bom ở Iran

21:00 04/01/2024

Việt Nam lên án mạnh mẽ vụ đánh bom khiến hàng trăm người thương vong ở đông nam Iran và chia buồn với nước này, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao.

Ukraine nói dịch bệnh từ chuột làm giảm năng lực chiến đấu của Nga

Ukraine nói dịch bệnh từ chuột làm giảm năng lực chiến đấu của Nga

13:50 21/12/2023

Tình báo Ukraine nói rằng dịch 'sốt chuột' đang hoành hành trong hàng ngũ lính Nga tại tỉnh Kharkov, gây ảnh hưởng lớn tới năng lực tác chiến của họ.

Mỹ, Trung 'thảo luận thẳng thắn' về Biển Đông

Mỹ, Trung 'thảo luận thẳng thắn' về Biển Đông

12:20 04/11/2023

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã 'thảo luận thẳng thắn' với Trung Quốc về các vấn đề trên biển, trong đó có Biển Đông, khi chuẩn bị cho cuộc gặp giữa hai lãnh đạo.

Lý do Nga bất ngờ tập kích Kiev giữa ban ngày

Lý do Nga bất ngờ tập kích Kiev giữa ban ngày

11:40 26/03/2024

Nga tập kích tên lửa vào Kiev giữa ban ngày, thay vì buổi đêm, có thể vì nhắm tới nơi có mặt nhiều quan chức tình báo cấp cao Ukraine.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bắt đầu thăm chính thức Indonesia

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bắt đầu thăm chính thức Indonesia

12:00 04/08/2023

Dự kiến trong chuyến thăm chính thức Indonesia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo cấp cao của Indonesia, nhằm góp phần tăng cường quan hệ hợp tác song phương.

Tổng thư ký LHQ cảnh báo tình hình Gaza xấu đi sau từng giờ

Tổng thư ký LHQ cảnh báo tình hình Gaza xấu đi sau từng giờ

20:30 29/10/2023

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho hay tình hình ở Gaza đang xấu đi nhanh chóng, kêu gọi ngừng bắn để chấm dứt 'cơn ác mộng' này.

Israel tuyên bố chiến sự Gaza bước vào giai đoạn mới

Israel tuyên bố chiến sự Gaza bước vào giai đoạn mới

07:10 29/10/2023

Israel thông báo cuộc chiến với Hamas chuyển sang 'giai đoạn mới', với bộ binh nước này duy trì hoạt động ở Gaza thay vì rút về sau tập kích.

Co loi xay ra
Co loi xay ra