Sau ba thập kỷ, ông Dũng, sống ở Kênh 50, ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện đảo Cần Giờ, đã được uống nước đá lạnh "đã đời" mà không phải chèo xuồng nửa giờ đi mua.
Ông Trần Văn Dũng, 43 tuổi, là diêm dân ở Kênh 50. Một tuần trước, điện lưới quốc gia đã được kéo vào tận nhà ông. Ngay lập tức, ông liệt kê những việc "quan trọng, cần làm hàng đầu" là mua một cái tủ lạnh, nồi cơm điện, quạt máy và thêm mấy bóng điện.
"Hơn nửa đời người chờ đợi, cuối cùng cũng có điện", ông Dũng hào hứng. Hơn 30 năm trước, cậu bé Dũng theo cha mẹ lên tàu, vượt biển từ Gò Công (Tiền Giang) đến kênh 50, ấp Thiềng Liềng lập nghiệp. Nơi này thuộc xã đảo Thạnh An, bốn bề là biển, cách trung tâm TP HCM khoảng 70 km.
Với hơn 3 ha ruộng muối, nguồn thu nhập đủ nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng có những lúc "tiền nhiều cũng không biết để làm gì" do ấp không có điện nên gia đình cũng chẳng sắm sửa thiết bị tiện nghi.
Ông Dũng kể, đặc thù làm muối luôn phải phơi mình dưới nắng nóng nên rất thèm một ly nước mát lạnh. Nhiều hôm thèm quá, ông chèo xuồng xuống trung tâm xã Thạnh An mua đá lạnh về pha nước mát. Tuy nhiên, hơn chục năm trước, xã đảo cũng chưa có điện, đá cây trở thành thứ quý hiếm. Các tiệm tạp hóa chỉ bán đá khi khách mua bia. Do đó, nhiều lần chỉ vì ly nước mát ông phải chở thùng bia về nhà, ném một góc "dù chẳng muốn nhậu chút nào".
Nguồn năng lượng của cả gia đình là chiếc bình ắc quy 12V dùng để thắp đèn led, sạc điện thoại và thỉnh thoảng mở radio nghe đài, phương tiện giải trí duy nhất của gia đình. Mỗi khi hết điện, ông thường mang bình đến nhà có lắp năng lượng chạy bằng quạt gió để sạc nhờ.
"Không có điện cuộc sống cứ tù mù", người đàn ông mặt sạm nắng gió nói. "Nhưng giờ thì khác rồi, điện về ngay ngày cận Tết, niềm vui tăng lên gấp đôi". Không chỉ cải thiện đời sống, ông Dũng nói trong công việc làm muối cũng sẽ đỡ vất vả hơn khi có điện.
Tương tự, người hàng xóm Nguyễn Văn Thắng cùng làm muối với ông Dũng cũng vui không kém khi điện được kéo về nhà ngay giáp Tết. "Con tôi lấy chồng, vợ ở xa nghe có điện nói Tết này sẽ về", người đàn ông 58 tuổi nói.
Cũng như ông Dũng, ông Thắng theo gia đình từ Gò Công qua lập nghiệp từ những năm 80. Sau đó, ông có gia đình và sinh 4 người con trong đó có hai con đã lập gia đình riêng và đến nơi khác sống. Mặc dù rất thương cha mẹ nhưng các con hiếm khi đưa gia đình về thăm bởi "nhà ông nội không có điện, không có quạt, nóng chịu không nổi".
Mấy năm trước, ngành điện hỗ trợ gia đình ông lắp năng lượng mặt trời nhưng cũng chỉ có điện vào những lúc trời nắng, thường xuyên chập chờn. Dù sau khi trừ hết chi phí, thu nhập từ 6 ha ruộng muối mỗi năm được 200 triệu đồng nhưng nhà cửa của ông Dũng khá tuềnh toàng, tiện nghi gần như chỉ có bếp ga và vài bóng đèn.
"Nghe kéo điện tôi mừng đến không ngủ được vì trước đó tôi cứ tưởng hết đời mình cũng sẽ sống trong cảnh đèn dầu", ông Thắng nói. Do đó, khi Công ty Điện lực Duyên Hải, thuộc Tổng công ty Điện lực TP HCM, kéo điện, ông đã tình nguyện dẫn đường. Điện kéo đến đâu, ông tới đó, trường hợp trụ điện phải đi vào đất của dân, ông đứng ra gặp gỡ, thuyết phục để nhận được sự đồng thuận.
Khi công tơ điện được lắp, cầu dao kéo lên, ông nói ngay với vợ chuẩn bị tiền mua tủ lạnh, nồi cơm điện, quạt máy lắp khắp các phòng. "Từ nay không còn cảnh nhìn người ta có điện mà thèm nữa", ông Thắng nói.
Gia đình ông Thắng, ông Dũng là hai trong 25 hộ dân thuộc cụm dân cư cuối cùng ở TP HCM được hòa lưới điện quốc gia. Ông Vũ Hoài Nam, Phó giám đốc Công ty Điện lực Duyên Hải, cho biết cụm có 25 hộ dân sinh sống lâu năm, nằm độc lập dọc theo Kênh 50 và cách xa khu dân cư ấp Thiềng Liềng. Người dân chủ yếu sống bằng nghề làm muối, nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ tự phát và chài lưới thủ công. Giao thông đi lại chủ yếu là dùng ghe, xuồng nhỏ để di chuyển trong các con lạch, sông nhỏ.
Nhiều năm trước, ngành điện hỗ trợ một số hộ lắp năng lượng mặt trời nhưng hạn chế về công suất và thời gian sử dụng, các gia đình còn lại phải sử dụng máy phát nên đời sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.
Tháng 4/2015, Tổng công ty Điện lực TP HCM đã hoàn thành công trình cáp ngầm 22kV vượt biển cấp điện cho xã đảo Thạnh An và mục tiêu của ngành điện là phủ kín lưới điện quốc gia 100% cho dân xã đảo. Với cụm dân cư ở Kênh 50, năm 2022, dự án bắt đầu được đơn vị phối hợp với sở, ngành, địa phương triển khai, giải phóng mặt bằng. Các hạng mục trong công trình đều được xây dựng mới, có điểm đầu tại trụ trung thế thuộc khu dân cư ấp đảo Thiềng Liềng và điểm cuối là tại vị trí hộ dân cuối cùng đang sinh sống trên Kênh 50.
Theo ông Nam, khu vực thi công là vùng nhiễm mặn quanh năm, vì vậy tất cả vật tư thiết bị của dự án phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và chống nhiễm mặn. Đường dây trung thế, hạ thế và trạm biến áp bố trí dọc trên các bờ ruộng muối, bờ sông giúp hộ dân được tiếp cận với lưới điện nhanh chóng tiện lợi nhất mà không ảnh hưởng sản xuất của người dân. Dự án được khởi công vào ngày 9/11/2024 và hoàn thành việc đóng điện vào 15/1/2025, đây cũng là cụm dân cư cuối cùng ở TP HCM hòa lưới điện quốc gia.
"Ngày đóng điện, người dân rất vui. Chúng tôi cam kết cấp điện ổn định, an toàn, liên tục để người dân ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế của xã đảo", ông Nam nói.
Lê Tuyết
Máy bay VJ1149 trượt khỏi đường băng và va vào đèn lề khiến hai lốp bị hỏng sau khi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất.
Đặng Đình Bình, tổng giám đốc nhiều công ty dịch vụ bảo vệ - vệ sĩ ở TP HCM và Bình Dương, bị cảnh sát bắt sau 24 năm trốn truy nã vì bỏ trốn khỏi trại giam.
Ngày Quốc tế Lao động 1/5 hàng năm không chỉ là dịp để tôn vinh những đóng góp của tầng lớp công nhân mà còn là cơ hội để nhắc nhở chúng ta về những cuộc đấu tranh lịch sử của phong trào lao động quốc tế. Mặc dù đây là ngày lễ quan trọng được mong đợi vì mọi người được nghỉ làm và hưởng nguyên lương nhưng không phải ai cũng hiểu rõ tại sao ngày 1/5 lại được chọn làm Ngày Quốc tế Lao động. Nguồn gốc Ngày Quốc tế Lao động Vào cuối thế kỷ 19, thời...
Nghệ An - Các trụ sở công dôi dư sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc khai thác hiệu quả, tránh lãng phí.
TPHCM - Công tác chuẩn bị cho Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 cơ bản đã hoàn tất các hạng mục trọng điểm như hội trường, khu lễ hội...
Trưa 3/5, anh Đinh Văn Kiên (43 tuổi, trú tại xã Tiên Hoàng, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) tử vong do bị bò tót tấn công trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng.
Cựu giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai cùng thuộc cấp bị xét xử về tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
KTS Hoàng Thúc Hào trở thành người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng Kiến trúc bền vững toàn cầu 2025 do có nhiều công trình kiến trúc nhân văn và bền vững.
HUẾ - Dùng danh nghĩa môi giới bất động sản, người đàn ông ở Huế dùng nhiều thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt gần 5 tỉ đồng của nhiều người.