Có tiền cũng không muốn đẻ ở Trung Quốc

17:45 12/02/2025

Dù chính phủ Trung Quốc khuyến khích kết hôn và sinh thêm con để ngăn đà giảm dân số, nhiều người trẻ ngần ngại, ngay cả khi có điều kiện kinh tế.

Bộ Nội vụ Trung Quốc ngày 10/2 công bố dữ liệu cho thấy tỷ lệ đăng ký kết hôn ở nước này năm 2024 là 6,1 triệu cặp, giảm 20,5% so với năm 2023. Mức giảm tỷ lệ kết hôn cao chưa từng có này trùng với năm thứ ba liên tục tổng dân số Trung Quốc suy giảm.

Theo dữ liệu công bố hồi tháng 1 của Cơ quan Thống kê Trung Quốc (NBS) tổng dân số nước này giảm 1,39 triệu người, xuống còn 1,4083 tỷ người năm 2024. Thực tế này đang đe dọa các mục tiêu chính trị và kinh tế của chính phủ Trung Quốc, khi ngày càng ít cặp vợ chồng muốn sinh thêm con, bất chấp các biện pháp khuyến khích của chính quyền.

Giới chuyên gia cho biết một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ kết hôn giảm ở Trung Quốc là xu hướng lập gia đình muộn của người trẻ. Lục Địch, 38 tuổi, phó giám đốc một công ty công nghệ sinh học ở thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, là một trong những người như vậy.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Lục Địch vừa làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu, vừa học thêm kiến thức nghiệp vụ, ngoại ngữ để phát triển sự nghiệp. Từ một nhân viên bình thường, cô vươn lên thành kế toán trưởng, rồi phó giám đốc công ty, nhưng công việc đòi hỏi thường xuyên phải đi công tác, tiếp khách ngoài giờ làm việc.

Ngoài 30 tuổi, Lục Địch mới gặp được chồng hiện tại, Lê Trung, giáo viên địa lý tại một trường trung học, và quyết định đi đến hôn nhân. Tuổi kết hôn của cô cao hơn nhiều so với độ tuổi lập gia đình trung bình ở Trung Quốc là 28,67, theo dữ liệu tổng điều tra dân số năm 2020. Một thập kỷ trước đó, độ tuổi kết hôn trung bình ở nước này là 24.

Kéo theo đó, độ tuổi trung bình sinh con đầu lòng cũng tăng từ 26,4 năm 2010 lên 27,4 năm 2020. Tại đô thị lớn như Thượng Hải, con số này là 31,18.

Theo Global Times, độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình ở Hắc Long Giang thậm chí lên tới 31,48. Tại các khu vực đô thị phát triển như Bắc Kinh, Thiên Tân, độ tuổi này là trên 29, khi ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc theo đuổi học vấn, sự nghiệp và trì hoãn kết hôn. Quan niệm về hôn nhân, gia đình của nhiều người trẻ cũng thay đổi nhanh chóng.

Lục Địch là điển hình cho thế hệ phụ nữ Trung Quốc hiện đại, có học vấn cao, theo đuổi sự nghiệp riêng, độc lập kinh tế, kết hôn và sinh con muộn.

Theo nghiên cứu công bố hồi tháng 1/2023 của Đại học Lan Châu về trình độ học vấn của phụ nữ Trung Quốc, số lượng phụ nữ trình độ đại học đã tăng từ 26% năm 1993 lên 54,98% năm 2020. Khi phụ nữ Trung Quốc bước vào kỷ nguyên hưởng nền giáo dục cao hơn, chất lượng hơn, tư duy về gia đình và sự nghiệp của họ dần thay đổi.

"Phụ nữ Trung Quốc bây giờ rất lý trí. Họ sẵn sàng sống một mình, hoặc nhanh chóng ly hôn nếu nhà chồng không biết điều, áp đặt con dâu", Lục Địch nói với VnExpress.

Sau khi kết hôn, hai vợ chồng Lục Địch sống cùng bố mẹ cô trong căn nhà do cô mua. Hai người cũng quyết định chỉ sinh một con, không có thêm bé thứ hai, do áp lực nuôi dạy trẻ em ở Trung Quốc hiện nay quá lớn.

Chồng cô là con một, bố mẹ chồng đã cao tuổi, sống ở quê, nên không thể giúp trông cháu. Bản thân Lê Trung làm giáo viên chủ nhiệm lớp 12, ngoài thời gian giảng dạy chuyên môn, anh còn chịu trách nhiệm đôn đốc, giám sát học sinh cuối cấp chuẩn bị cho kỳ thi đại học nên tương đối bận rộn.

Cô may mắn có bố mẹ đẻ hỗ trợ trông cháu và làm việc nhà, nhưng Lục Địch quyết không sinh con thứ hai, vì "không muốn làm khổ ông bà".

"Tôi sợ sinh thêm sẽ không đủ sức vừa chăm sóc dạy dỗ con vừa phát triển sự nghiệp bản thân, bởi công việc của tôi cũng rất bận rộn và áp lực", cô giải thích. "Từ khi sinh con tới giờ, tôi cũng không có thời gian cho bản thân".

Chi phí nuôi dạy trẻ cao cũng là nguyên nhân khiến nhiều gia đình không muốn sinh thêm.

Con trai của Lục Địch theo học tiểu học công lập, học thêm hai buổi bóng rổ, một buổi luyện chữ mỗi tuần, với chi phí khoảng 100 tệ (14 USD) một buổi. Chi phí học tập của cậu bé chiếm 15% tổng thu nhập của gia đình.

Lục Địch cho hay gia đình thuộc nhóm thu nhập cao, 15% tổng thu nhập không nhiều, nhưng đối với nhiều gia đình công nhân viên chức bình thường ở Nam Ninh, đây là mức tương đối lớn. Theo dữ liệu do chính quyền Quảng Tây công bố, mức lương trung bình của lao động ở khối phi hành chính sự nghiệp tại đây năm 2023 là 4.126 tệ (572 USD).

"Nếu theo mức này, chi phí nuôi một đứa trẻ chiếm 25% tổng thu nhập của một hộ gia đình bình thường, chưa tính đến tiền thuê nhà, điện nước, xăng xe, tụ tập bạn bè, thăm hỏi cha mẹ, du lịch...", Lục Địch nói.

Do Trung Quốc không miễn học phí cho học sinh cấp ba, chi phí này sẽ tăng khi đứa trẻ lớn lên, nhất là khi các em phải tăng cường học thêm chuẩn bị cho kỳ thi đại học. "Do đó, nhiều gia đình không dám sinh thêm con vì không nuôi nổi", cô cho hay.

Là một lãnh đạo doanh nghiệp, Lục Địch thừa nhận không khuyến khích nhân viên công ty sinh con thứ hai, thứ ba. Cô cho hay phụ nữ Trung Quốc được hưởng chính sách nghỉ thai sản 6 tháng và được về sớm một tiếng trong một năm tiếp theo. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các bà mẹ nuôi con, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, doanh thu và lợi nhuận của công ty.

"Tình hình kinh tế vài năm gần đây không tốt", Lục Địch nói. "Thực trạng việc làm bây giờ là thiếu việc, thừa người. Do đó, các doanh nghiệp khi tuyển dụng thường ưu tiên người trẻ, mới ra trường, để họ có thời gian cống hiến cho công ty trước khi lập gia đình và sinh con. Với những người đã ngoài 30 tuổi và có vị trí nhất định trong công việc, họ cũng không muốn sinh thêm con bởi e ngại mất cơ hội phát triển sự nghiệp".

Tâm lý ngại kết hôn, ngại sinh con ngày càng phổ biến ở Trung Quốc làm trầm trọng hóa cuộc khủng hoảng dân số bắt nguồn từ chính sách một con mà nước này áp dụng nghiêm ngặt trong gần 4 thập kỷ. Chính sách một con đã khiến tỷ lệ sinh của Trung Quốc liên tiếp giảm trong nhiều năm và tới năm 1991, với dân số 1,16 tỷ người, mức sinh thay thế của nước này giảm xuống dưới mức cần thiết để duy trì dân số ổn định.

Trung Quốc từ bỏ chính sách một con năm 2016, bắt đầu đi theo hướng gần như trái ngược, đóng cửa các cơ sở phá thai và không ngừng mở rộng dịch vụ giúp các cặp vợ chồng sinh thêm con. Tuy nhiên, hệ quả mà chính sách một con để lại quá nặng nề và rất khó đảo ngược, khi số phụ nữ trong độ tuổi sinh nở liên tục giảm.

Quốc gia này lần đầu ghi nhận dân số suy giảm sau 60 năm vào 2022. Năm 2023, dân số Trung Quốc tiếp tục giảm bất chấp chính phủ kêu gọi các gia đình sinh thêm con.

Tỷ lệ sinh giảm song song với lực lượng lao động thu hẹp và dân số già hóa nhanh chóng, khiến chính phủ Trung Quốc vừa phải giải quyết vấn đề tăng ngân sách cho quỹ y tế và lương hưu của người cao tuổi, vừa phải duy trì tăng trưởng trong một nền kinh tế có ít người trong độ tuổi lao động hơn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung Quốc là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, với tỷ lệ người trên 60 tuổi tăng lên 28% vào năm 2040. Vấn đề này sẽ tăng gánh nặng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong những thập kỷ tới, đồng thời gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội.

"Trung Quốc đang đối mặt với thách thức nhân khẩu học cấp bách và nghiêm trọng nhất trên thế giới. Đây là một quả bom hẹn giờ", Liang Jianzhang, giáo sư nghiên cứu về kinh tế học ứng dụng tại Đại học Bắc Kinh, đồng thời là chuyên gia về nhân khẩu học, từng cảnh báo năm 2021.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 10/2022 tuyên bố nước này sẽ "cải thiện chiến lược phát triển dân số", cam kết "thiết lập hệ thống chính sách thúc đẩy tỷ lệ sinh, giảm chi phí mang thai và sinh đẻ, nuôi con và đi học".

Kể từ đó, Trung Quốc đã thực hiện một số biện pháp như điều chỉnh chính sách mua và thuê nhà, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, xây dựng các viện nghiên cứu cấp cao về vấn đề dân số, đề cao gia giáo và truyền thống gia đình, xóa bỏ đám cưới xa hoa.

Một giải pháp nữa được chính phủ đưa ra là nới lỏng quy định kết hôn. Nhiều lao động nhập cư không cần về quê để đăng ký kết hôn theo quy định mới. Năm 2023, Trung Quốc cho phép người dân từ 21 tỉnh và thành phố, chủ yếu ở miền đông và miền trung như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông, Chiết Giang, đăng ký kết hôn tại nơi tạm trú.

Quốc hội Trung Quốc cũng đang thảo luận chính sách hợp pháp hóa con ngoài giá thú. Trước đây, những phụ nữ có con ngoài giá thú thường phải đóng khoản tiền phạt lớn để khai sinh, đăng ký hộ khẩu cho con, giúp con đi học và sử dụng các dịch vụ công miễn phí.

Tứ Xuyên là địa phương đi đầu trong tạo điều kiện đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú. Tháng 1/2023, tỉnh này tuyên bố dỡ bỏ những quy định nghiêm ngặt với các bà mẹ đơn thân khi đăng ký khai sinh, hộ khẩu cho con. Chính sách này sẽ áp dụng trong 5 năm.

Nhiều địa phương đã ban hành các chính sách ưu đãi và tặng tiền để khuyến khích sinh đẻ. Tại Thâm Quyến, mỗi cặp vợ chồng sinh con thứ ba sẽ nhận trợ cấp tiền mặt tổng cộng 19.000 tệ (2.800 USD) cho tới khi em bé tròn ba tuổi. Tế Nam, thành phố ở tỉnh Sơn Đông, mở thêm nhà trẻ và tăng thời gian nghỉ phép của cha mẹ. Tháng 7/2021, thành phố Phàn Chi Hoa ở Tứ Xuyên trở thành nơi đầu tiên ở Trung Quốc trợ cấp tiền nuôi con cho các gia đình, với 500 tệ một tháng cho mỗi con thứ hai và thứ ba tới khi em bé tròn ba tuổi.

Tuy nhiên, Li Ting, giáo sư về dân số tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, cho rằng việc trợ cấp tiền để tăng tỷ lệ sinh chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, không thể tạo ra tác động lâu dài, bền vững. "Nhiều nước Đông Á đã thực hiện chính sách hỗ trợ tiền để tăng tỷ lệ sinh từ vài năm nay nhưng đều không hiệu quả", bà nói.

Lục Địch cũng nhất trí rằng các biện pháp tặng tiền, xây thêm nhà trẻ, tăng thời gian nghỉ thai sản... đều không khả thi trong việc khuyến khích sinh thêm con. Cô cho rằng chỉ những người thực sự khá giả, bố mẹ còn trẻ khỏe và có điều kiện thuê thêm bảo mẫu mới đủ can đảm sinh thêm con để họ có thời gian cho bản thân và công việc.

He Dan, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Dân số Trung Quốc, tổ chức trực thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, nhận định điều cần thiết hiện nay là thay đổi tư duy và đột phá thể chế để có thể giải quyết bài toán dân số.

"Để kéo tỷ lệ sinh tăng lên cần một chiến lược có hệ thống, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ trên toàn quốc, hơn là quyết sách tình thế ở từng địa phương", bà viết trong bài báo đăng trên tạp chí Dân số và Sức khỏe hồi tháng 12/2023.

Yang Fan, chuyên gia tại Trung tâm Dân số và Phát triển thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương nước này đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ sinh đẻ, nhưng vẫn thiếu sự điều phối, đồng bộ giữa các cấp, các vùng, nên chưa tạo ra được một hệ thống hỗ trợ các ông bố, bà mẹ chăm sóc, nuôi dạy con cái phù hợp với mong muốn, điều kiện và khả năng của họ.

"Chúng ta cần ý thức được rằng hỗ trợ các gia đình sinh thêm con là nhiệm vụ cần nỗ lực bền bỉ, lâu dài, không thể trông đợi kết quả trong ngày một ngày hai", Yang nhấn mạnh.

Hồng Hạnh

Có thể bạn quan tâm
Canada, Mexico điều lính cứu hỏa giúp California dập cháy rừng

Canada, Mexico điều lính cứu hỏa giúp California dập cháy rừng

12:45 05/04/2025

Canada, Mexico thông báo điều lính cứu hỏa tới bang California hỗ trợ chữa cháy rừng, trong khi Ukraine tuyên bố sẵn sàng cử nhân lực hỗ trợ Mỹ.

Hình xăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gây tranh cãi

Hình xăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gây tranh cãi

17:45 31/03/2025

Bộ trưởng Hegseth xăm dòng 'kẻ ngoại đạo' bằng tiếng Arab lên cánh tay, bị chỉ trích có thể xúc phạm người Hồi giáo.

Nỗi lo với các tòa nhà cao tầng ở Bangkok sau động đất

Nỗi lo với các tòa nhà cao tầng ở Bangkok sau động đất

16:45 31/03/2025

Trận động đất khiến tòa nhà 30 tầng tại Bangkok sụp đổ đang tạo ra bầu không khí hoang mang, làm dấy lên câu hỏi về độ an toàn của các công trình.

NATO dưới thời Tổng thống Trump 2.0: 'Cái chết' được báo trước?

NATO dưới thời Tổng thống Trump 2.0: 'Cái chết' được báo trước?

00:45 31/03/2025

Khi ông Donald Trump gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là 'lỗi thời' vào năm 2016, nhiều người cho rằng đó chỉ là một tuyên bố gây tranh cãi.

Tin thế giới 19/3: Tổng thống Nga đang 'chơi trò chơi'? Ukraine tuyên bố 'lằn ranh đỏ', Israel lại thổi bùng 'lò lửa' Gaza

Tin thế giới 19/3: Tổng thống Nga đang 'chơi trò chơi'? Ukraine tuyên bố 'lằn ranh đỏ', Israel lại thổi bùng 'lò lửa' Gaza

06:45 28/03/2025

Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h qua.

Tình hình Nam Sudan: Xung đột tiếp diễn, Phó Tổng thống bị bắt, Mỹ ra mặt

Tình hình Nam Sudan: Xung đột tiếp diễn, Phó Tổng thống bị bắt, Mỹ ra mặt

06:45 28/03/2025

Các diễn biến mới nhất xung quanh thủ đô Juba ở Nam Sudan đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột tiềm tàng ở quốc gia châu Phi nhiều bất ổn này.

Đan Mạch muốn mua thêm F-35 Mỹ giữa căng thẳng vì Greenland

Đan Mạch muốn mua thêm F-35 Mỹ giữa căng thẳng vì Greenland

17:45 27/03/2025

Giới chức Đan Mạch tuyên bố muốn mua thêm tiêm kích F-35 từ Mỹ, dù quan hệ song phương đang căng thẳng vì vấn đề chủ quyền đảo Greenland.

Sau vụ máy bay chiến đấu thả bom nhầm, Mỹ-Hàn Quốc ra quyết dịnh khẩn cấp

Sau vụ máy bay chiến đấu thả bom nhầm, Mỹ-Hàn Quốc ra quyết dịnh khẩn cấp

04:01 27/03/2025

Ngày 7/3, Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) thông báo đã nhất trí tạm dừng tất cả các cuộc diễn tập bắn đạn thật.

Dàn tên lửa Houthi khiến tàu sân bay Mỹ phải dè chừng

Dàn tên lửa Houthi khiến tàu sân bay Mỹ phải dè chừng

04:00 27/03/2025

Houthi sở hữu nhiều loại tên lửa hành trình và đạn đạo chống hạm, đủ sức uy hiếp tàu sân bay Mỹ hoạt động gần Yemen.

Co loi xay ra
Co loi xay ra
Ago Mom cải thiện khả năng thụ thai, tình trạng hiếm muộn ở phụ nữ
Ago Dad hỗ trợ sức khỏe sinh sản nam giới bổ sung dưỡng chất cần thiết, tăng cường sức khỏe, bổ thận và ích tinh cho nam giới
Ống hút giấy, cốc giấy, ly giấy, bát giấy, tô giấy, đĩa giấy
Cốc Giấy Là Gì? Tại sao chúng ta nên sử dụng Cốc Giấy?
Cốc giấy, Ly giấy
Ống hút giấy
Ống hút giấy
Du học Nhật Bản, Học bổng Nhật Bản, Việc làm tại Nhật Bản, Dịch vụ ở Nhật Bản, Aishin Hà Nội
Du học Nhật Bản
Thông tin du học